Trung Quốc muốn thống trị thế giới bằng cách viết lại các quy tắc để phù hợp hơn với lợi ích của mình. Họ có ý định lật đổ hệ thống phân cấp toàn cầu, đặt các chính phủ và lý tưởng phi tự do lên đỉnh cao của nó, đó là nhận định của ông Michael Schuman trên tờ The Atlantic.

Ông Schuman là thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Trung Quốc toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương.

Sự khác biệt về “pháp quyền” giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Học giả Schuman phân tích, ở Hoa Kỳ và phần lớn các nước phương Tây tự do, khái niệm “pháp quyền” rất quan trọng đối với một xã hội hoạt động đúng đắn; luật pháp là công bằng, độc lập và được áp dụng đồng đều và nhất quán cho tất cả mọi người; nó bảo vệ những người vô tội, kể cả khỏi nhà nước”.

“Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tuân theo khái niệm ‘pháp quyền’. Tuy nhiên, hệ thống luật pháp là công cụ được sử dụng để đảm bảo sự thống trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); tòa án là diễn đàn để áp đặt ý chí của chính phủ. Nhà nước có thể làm bất cứ điều gì họ muốn, và sau đó tìm một số ngôn ngữ hữu ích trong “luật” để biện minh cho điều đó”, ông Schuman bình luận.

Điển hình là vụ Mạnh Vãn Châu- Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei Technologies. Bà Mạnh đã bị bắt tại Vancouver vào cuối năm 2018 với tội danh lừa đảo ngân hàng (Huawei đã giao dịch tài chính với Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Washington). Theo quan điểm của Mỹ, vụ việc này là vấn đề của cơ quan thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, Bắc Kinh coi cáo trạng của bà Mạnh là “một sự dàn dựng chính trị… được thiết kế để làm khó công nghệ cao của Trung Quốc”, ông Sshuman nhận định.

Vì vậy, Trung Quốc đòi hỏi một giải pháp chính trị. Và tháng 7/2021, Bắc Kinh yêu cầu Washington hủy bỏ vụ kiện đối với bà Mạnh. Việc bà Mạnh được trả tự do về Trung quốc là một thắng lợi ngoại giao của Bắc Kinh.

Trung Quốc muốn thống trị thế giới bằng các quy tắc

Ông Schuman nhận định, vụ Mạnh Vãn Châu cho thấy một cuộc đối đầu ngày càng lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về việc ai đặt ra các quy tắc về thương mại và công nghệ, biến đổi khí hậu và sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Schuman, Trung Quốc đang thúc đẩy các khái niệm của riêng mình về quản trị toàn cầu, phát triển và quan hệ quốc tế. Họ nắm bắt ảnh hưởng tại các tổ chức như Liên Hợp Quốc để truyền những khái niệm này vào diễn ngôn toàn cầu. Đồng thời, họ lợi dụng sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của mình để tranh chấp với Hoa Kỳ.

Học giả Schuman bình luận, ông Tập Cận Bình dường như coi Hoa Kỳ là một hạn chế đối với quyền lực của Trung Quốc. Chính trị tự do ngự trị và trật tự của Mỹ có vẻ là một nơi không thân thiện, thậm chí là đe dọa đối với chế độ chuyên quyền như Trung Quốc. Ông Tập muốn Bắc Kinh viết lại các quy tắc để phù hợp hơn với lợi ích của mình; và có ý định lật đổ hệ thống phân cấp toàn cầu, đặt các chính phủ và lý tưởng phi tự do lên đỉnh cao của nó.

Chuyên gia về luật pháp Trung Quốc, Jerome Cohen cho rằng, ông Tập “muốn thống trị nhà nước pháp quyền. Ông Tập tin rằng ‘phải có những quy tắc phù hợp với lợi ích của đa số các quốc gia’, và ‘ông ấy coi người Anh-Mỹ là thiểu số’. Nhóm thiểu số nên được điều hành bởi các chế độ chuyên quyền trên thế giới, những người có thể tuân theo quan điểm của Trung Quốc”.

Bắc Kinh muốn tấn công trật tự thế giới bằng phong trào gọng kìm.

Năm 2013, ông Tập khởi xướng sáng kiến “Vành đai con đường – BRI”. Theo đó, Trung Quốc tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, Bắc Kinh thường không tuân theo các tiêu chuẩn cho vay đối với các quốc gia nghèo. Hoạt động cho vay dựa trên các quy tắc của Trung Quốc và thường ít minh bạch hơn. Các điều khoản và tiêu chuẩn yếu hơn về vấn đề lao động, tham nhũng và bảo vệ môi trường.

Truyền bá tư tưởng về vi phạm nhân quyền

Chuyên gia về chính sách phát triển, Kristen Cordell cho biết, Bắc Kinh đang sử dụng ảnh hưởng của mình để thúc đẩy BRI, truyền bá cho các quốc gia khác những nguyên tắc tư tưởng riêng về vấn đề như nhân quyền và chủ quyền nhà nước.

Năm 2020, tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc, 53 quốc gia đã đứng về phía Trung Quốc nhằm áp đặt luật an ninh quốc gia gây tranh cãi lên Hồng Kông; cho phép chính quyền đàn áp phong trào dân chủ của thành phố.

Năm 2021, tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, hơn 60 thành viên đã ủng hộ quan điểm của Trung Quốc về nhân quyền; rằng vi phạm nhân quyền của một quốc gia không phải là việc của thế giới.

Một báo cáo năm 2019 của Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ thúc đẩy xuất khẩu một số khía cạnh có hại nhất của hệ thống chính trị gồm: tham nhũng, giám sát hàng loạt và đàn áp quyền cá nhân và tập thể.

Bành trướng và bắt nạt các nước láng giềng ở Biển Đông

Ông Schuman nhận định, trong một diễn biến khác, Bắc Kinh đã phớt lờ phán quyết quốc tế và sự phản đối của các nước láng giềng về sự bành trướng của họ ở Biển Đông. Tại đây, Bắc Kinh đang cố gắng viết lại một cách hiệu quả các bộ tiêu chuẩn về lãnh hải và tự do hàng hải, dựa trên lập trường của Trung Quốc.

Ông kết luận: “Để củng cố sự kìm kẹp của mình, Trung Quốc cũng đã sử dụng các hành vi bắt nạt và đe dọa như: Lực lượng bảo vệ bờ biển quấy rối tàu của các quốc gia khác, và tàu cá của họ. Bắc Kinh cũng xây dựng các đảo nhân tạo và các cơ sở quân sự. Các quốc gia khu vực Biển Đông phải vật lộn để giữ lấy vùng biển của mình”.