Bắc Kinh đang cố gắng lôi kéo Việt Nam và các nước khác ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), theo Nikkei Asia.
Trong cuộc gặp trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm 26/10, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã kêu gọi khối này và Trung Quốc “tăng cường hội nhập kinh tế”; và đưa Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực càng sớm càng tốt. Ông Lý Khắc Cường đề xuất hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm biến đổi khí hậu, khoa học công nghệ và đổi mới, theo hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã.
Nikkei cho rằng, việc ông Lý Khắc Cường đề cập đến “hội nhập kinh tế” còn ngầm tiết lộ mục tiêu khác của Bắc Kinh. Đó là tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); mà trong đó Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Tóm tắt nội dung
Hiệp định CPTPP là gì?
CPTPP có tiền thân là thỏa thuận TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), vốn là một thỏa thuận nhằm đối trọng lại với ảnh hưởng thương mại từ Trung Quốc và không có ý định cho Bắc Kinh tham gia.
Tuy nhiên, TPP chưa bao giờ trở thành hiện thực; vì Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump cho rằng TPP là một thỏa thuận “tồi tệ”; nó sẽ khiến công ăn việc làm rời khỏi nước Mỹ. Vì vậy, ông đã rút khỏi TPP sau khi nhậm chức vào năm 2017.
Các nước còn lại đã đạt được một thỏa thuận cơ bản và đổi tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership; viết tắt là CPTPP).
Các quốc gia đã ký kết CPTPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, và Việt Nam.
Trung Quốc cố gắng ‘lấy lòng’ Việt Nam để gia nhập CPTPP
Trung Quốc đã nộp đơn xin vào Hiệp định này vào tháng 9 năm nay. Muốn được gia nhập, Trung Quốc phải nhờ cậy đến các nước thành viên như Việt Nam, theo Nikkei.
Nhưng Việt Nam có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông. Các quốc gia thành viên CPTPP khác cũng có tranh chấp tương tự như Malaysia, Brunei.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tránh gây sóng gió về chủ đề Biển Đông tại hội nghị thượng đỉnh với các nước ASEAN trong cuộc họp hôm 26/10.
Ông Lý Khắc Cường nói rằng “hòa bình ở Biển Đông mang lại lợi ích chung cho cả Trung Quốc và các nước ASEAN.” Ông nói, hai bên nên “mở rộng hợp tác hàng hải thiết thực” và hướng tới một thỏa thuận nhanh chóng về bộ quy tắc ứng xử trong khu vực.
Nikkei cho rằng Trung Quốc đang cố gắng “lấy lòng” Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu gia nhập CPTPP.
“Việc tham gia [CPTPP] có thể là một quá trình kéo dài hàng thập niên. Điều quan trọng là phải làm bạn ngay bây giờ”, một giáo sư đại học ở Bắc Kinh nói với Nikkei.
Một điểm chung của Trung Quốc với các thành viên ASEAN của CPTPP là số lượng lớn các doanh nghiệp nhà nước – một rào cản tiềm tàng để gia nhập khối thương mại tự do, theo Nikkei.
“Trung Quốc đang chuẩn bị (cho việc gia nhập) bằng cách thảo luận với Việt Nam và Malaysia, những quốc gia có nhiều doanh nghiệp nhà nước”, vị giáo sư nêu trên cho biết.
Hiệp ước thương mại CPTPP bao gồm các hạn chế chặt chẽ đối với các công ty nhà nước. Nhưng Việt Nam đã được miễn trừ một số điều khoản này. Trung Quốc có thể đang lưu ý tới việc này.
Thái độ của Việt Nam khi Trung Quốc muốn gia nhập CPTPP
Nikkei cho biết, kể từ khi nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 9, Trung Quốc đã nhanh chóng tiến hành cuộc lôi kéo các nước ủng hộ đơn xin gia nhập của mình. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi điện cho Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long. Cả hai nước đều phản ứng tích cực với đề xuất thành viên của Bắc Kinh, theo Nikkei.
Reuters đưa tin, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng của Bộ Ngoại giao hôm 23/9 nói rằng: “CPTPP là một thỏa thuận tự do thương mại cởi mở”.
Bà Hằng cho biết: “Việt Nam sẽ tham vấn với các thành viên CPTPP khác về những lời đề nghị gần đây về việc gia nhập thỏa thuận này”.
Vắc xin là công cụ đắc lực của Trung Quốc
Nikkei cho biết vắc xin COVID-19 là một công cụ đắc lực trong chiến dịch thuyết phục các nước cho Trung Quốc gia nhập CPTPP.
Trong cuộc gọi vào cuối tháng trước với Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cam kết đóng góp thêm 1 triệu liều vắc-xin cho Malaysia, nâng số lượng quyên góp của nước này lên ít nhất 1,5 triệu liều.
Trong hội nghị thượng đỉnh 26/10, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề xuất hợp tác Trung Quốc-ASEAN hơn nữa để đối phó với đại dịch.
Thương mại của Trung Quốc với ASEAN đã tiếp tục phát triển trong thời kỳ đại dịch. Nhập khẩu của Trung Quốc từ ASEAN đạt tổng cộng 301,3 tỷ USD vào năm ngoái, gần gấp đôi so với con số của một thập niên trước đó.
Những tuyên bố của Trung Quốc đối với ASEAN đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Mỹ, theo Nikkei. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tỏ ra cởi mở hơn trong việc tham gia với ASEAN so với cựu Tổng thống Donald Trump.
Ông Biden đã tham dự một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo ASEAN hôm 26/10 sau khi ông Trump bỏ qua sự kiện thường niên này trong ba năm liên tiếp. Động thái của ông Biden báo hiệu rằng khu vực ASEAN sẽ được ưu tiên hơn dưới thời chính quyền hiện tại.
Nhưng khả năng gây ảnh hưởng của Hoa Kỳ bị hạn chế bởi ông Biden ngần ngại tham gia trở lại vào CPTPP. Lý do là các liên đoàn lao động và các nguồn hỗ trợ quan trọng khác cho đảng Dân chủ của ông lo lắng rằng thỏa thuận CPTPP có khả năng thúc đẩy việc làm ra khỏi nước Mỹ.