Những ngày tươi đẹp của kinh tế Trung Quốc sắp chấm dứt, trong khi họ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề phát sinh từ 4 lời nói dối khổng lồ của chính quyền Bắc Kinh. Đó là nhận định của một học giả từng làm việc cho Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Học giả Cheng Xiaonong, hiện sống tại Mỹ, đã gửi bài bình luận của ông tới báo The Epoch Times. Trong bài viết được công bố hôm 8/7, ông Cheng đã chỉ ra “một số lời nói dối lớn nhất và đưa ra bức tranh thực sự đằng sau những lời nói dối đó”.

“Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dựa vào hàng loạt lời nói dối về kinh tế để làm lung lay nhận thức của nhiều người về tình hình hiện tại”, ông Cheng nhận định.

Lời nói dối kinh tế đầu tiên: “Phát triển là nguyên tắc tuyệt đối”

Lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình đưa ra tuyên bố này trong chuyến công du miền nam Trung Quốc năm 1992.

Kể từ đó, nó được dùng làm cái cớ để biện minh, che đậy những sai lầm, khiến những sai lầm trở nên chính đáng và không thể bị nghi ngờ, theo ông Cheng.

Nhà nghiên cứu đề cập đến chiến dịch “Đại nhảy vọt” của Mao Trạch Đông. Chiến dịch này đã dẫn đến nạn đói ba năm ở Trung Quốc. “Nhưng Mao thà để hàng chục triệu nông dân chết đói mà quyết không từ bỏ sự phát triển tốn kém của bom nguyên tử và tên lửa”, ông Cheng viết.

Ông bình luận: “Đường lối chính trị của ĐCSTQ hoàn toàn khác với văn hóa truyền thống của Nho giáo ‘bình dân là quý giá nhất’ – coi nhu cầu của người dân là nhu cầu tối thượng của đất nước, và mục đích duy nhất của phát triển là thực sự phục vụ phần lớn mọi người”.

Lời nói dối kinh tế thứ hai: “Các quan chức tham nhũng, nhưng đó không phải là thể chế của ĐCSTQ”

Ông Cheng cho rằng: “ĐCSTQ nói dối người dân Trung Quốc rằng tham nhũng chỉ là hành vi cá nhân của các quan chức, còn thể chế của ĐCSTQ luôn tốt. Mọi người không thấy rằng sự tham nhũng của ĐCSTQ đã được thể chế hóa”.

“Sự tham nhũng được thể chế hóa của ĐCSTQ tồn tại và xuyên suốt gần như trong tất cả các hoạt động kinh tế của Trung Quốc suốt lịch sử của ĐCSTQ.”

Hàng loạt ví dụ về tham nhũng qua thời gian

Ông Cheng liệt kê: Trước cuộc cải cách năm 1978, tham nhũng xảy ra dưới nhiều hình thức; như cách quan chức cung cấp lương thực, phân phát nhà ở, dịch vụ y tế…

“Sau khi cải cách, hệ thống quan liêu của chế độ không bao giờ thay đổi”, ông Cheng viết. Các quan chức dùng quyền lực để kiếm tiền. Một số ít quan chức tử tế đứng ngoài cuộc sẽ trở thành cái gai đối với các quan chức khác và bị mưu đồ loại bỏ.

Từ giữa những năm 1980, tham nhũng nảy sinh thêm dạng mới. Đó là con cái của các quan chức ĐCSTQ dùng quyền lực của cha mẹ để kiếm lợi. Ví dụ, họ bán giấy chứng nhận hạn ngạch tư liệu sản xuất và tài nguyên, kiếm lời từ chênh lệch giá; bán hạn ngạch nhập khẩu ô tô hoặc đồ điện gia dụng.

Vào đầu những năm 1990, họ kiếm lợi từ việc mua đất thông qua hối lộ và bất động sản. Vào cuối những năm 1990, các công ty tư nhân đã nổi tiếng và giàu có khi làm đại lý cho các khu vực tài chính nước ngoài.

“Trong thế kỷ này, việc hối lộ và bán chức danh, chức vụ nhà nước cũng trở thành một cách kiếm tiền dễ dàng”, ông Cheng cho biết.

Lời nói dối kinh tế thứ ba: “Hãy để một số người làm giàu trước”

Đây là lời tuyên truyền phổ biến của ĐCSTQ nhằm biện minh cho khoảng cách chênh lệch giàu nghèo trong xã hội. Các quan chức đảng viên và con cái họ thì làm giàu nhanh chóng. Trong khi đó tầng lớp nông dân thì sống chật vật, trở thành công dân hạng hai. Nhưng họ được động viên rằng: “Hãy để một số người làm giàu trước, rồi sẽ tới lượt các bạn”.

“Sau nhiều thập niên cải cách và mở cửa, hàng trăm triệu cư dân nông thôn ở Trung Quốc vẫn đang sống cận kề mức nghèo khổ”, ông Cheng cho biết.

“Sự tồn tại của một nhóm dân số thu nhập thấp lớn như vậy chứng tỏ rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc chỉ tạo ra một xã hội nghèo tương đối lớn nhất thế giới. Đồng thời, nó đã tạo ra một tầng lớp thượng lưu chiếm một phần nhỏ dân số, nhưng tài sản hộ gia đình của họ lớn hơn nhiều so với tầng lớp trung lưu trung bình ở các nước phương Tây.”

Lời nói dối kinh tế thứ tư: Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Ông Cheng cho biết ông đã phân tích 130 trường hợp tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở 29 tỉnh, thành phố và tìm ra các phương pháp chính mà ĐCSTQ đã sử dụng để tư nhân hóa DNNN.

“Vì bí mật đen tối này, ĐCSTQ đã không cho phép các nghiên cứu trong nước về quá trình tư nhân hóa, và các phương tiện truyền thông nhà nước về cơ bản đã không đưa tin sự thật về quá trình tư nhân hóa các DNNN”, ông Cheng cho biết.

Tái cơ cấu hay phân chia tài sản?

Ông cho biết một phương pháp mà ĐCSTQ sử dụng là cho phép các nhà quản lý của các DNNN được vay từ các ngân hàng với sự bảo lãnh dưới danh nghĩa của doanh nghiệp.

Sau đó, họ dùng khoản vay để mua tài sản của nhà nước, đăng ký doanh nghiệp do mình hoặc người thân đứng tên. Tiếp đến, họ dùng công quỹ của doanh nghiệp để trả lại các khoản mà họ đã vay.

Một phương pháp khác là người quản lý DNNN buộc nhân viên của họ mua một phần cổ phần của doanh nghiệp. Người lao động phải dùng tiền tiết kiệm của gia đình để mua cổ phần của doanh nghiệp, như vậy mới giữ được việc làm. Nhưng họ không được phép tìm hiểu hoạt động của doanh nghiệp hoặc chuyển nhượng tài sản. Người lao động buộc phải đóng góp tiền để giúp ban lãnh đạo của các DNNN giành được quyền sở hữu đối với các DNNN.

Phương pháp thứ ba là các nhà chức trách thông đồng với vợ / chồng và con cái của những gia đình đảng viên; sử dụng mạng lưới của họ để giúp các DNNN lớn niêm yết. Các thành viên gia đình được tặng cổ phiếu miễn phí của các công ty niêm yết. Sau đó, họ kiếm được lợi nhuận lớn từ cổ phiếu bằng cách tăng giá cổ phiếu.

Ông Cheng bình luận: “Kiểu tái cơ cấu DNNN này gần giống như một sự phân chia công khai và cướp bóc tài sản quốc gia của cấp quản lý, cùng với cấp trên của họ (các quan chức chính quyền địa phương) và thế hệ đỏ thứ hai (ám chỉ con cháu của các đảng viên thế hệ thành lập ĐCSTQ).”

ĐCSTQ buộc người dân Trung Quốc phải gánh các khoản nợ

Nhà nghiên cứu Cheng cho biết: “ĐCSTQ hiện tự hào rằng nền kinh tế của họ sẽ vượt qua Hoa Kỳ. Công chúng không hiểu biết rất dễ bị nhầm lẫn trước sự phồn vinh bề ngoài của các công trình đô thị và cơ sở hạ tầng như đường sắt cao tốc”.

Ông cho biết những công trình hào nhoáng đó thực chất là “món nợ khổng lồ sẽ dẫn đến vô vàn khó khăn nội bộ”.

Trung Quốc gần như dựa chủ yếu vào bất động sản và cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế.

“Lạm phát quá mức của bất động sản đã tạo ra một nền kinh tế bong bóng cực kỳ nguy hiểm khiến hệ thống ngân hàng đứng trước bờ vực sụp đổ”, ông Cheng cho biết.

Trong khi đó, chính quyền địa phương từ lâu đã dựa vào nguồn thu từ việc bán đất để duy trì tài chính địa phương. Nhưng “con đường này hiện đã đi đến hồi kết”.

Từ ngày 1/7 năm nay, chính quyền trung ương thông báo rằng thu nhập từ việc bán đất địa phương sẽ được chuyển cho chính quyền trung ương, và chính sách này bắt đầu được thực hiện ở thành phố Thượng Hải và các tỉnh Chiết Giang, Hà Bắc, Nội Mông, An Huy, và Vân Nam. Từ ngày 1/1 năm sau, cả nước sẽ thực hiện theo.

“Đây là một đòn chí mạng đối với các chính quyền địa phương, họ sẽ không thể hoàn trả số lượng trái phiếu khổng lồ do họ phát hành để phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản. Để tồn tại, kho bạc địa phương cần đẩy nhanh việc áp dụng thuế bất động sản, điều này sẽ làm vỡ bong bóng bất động sản và các chủ nhà sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn để trả nợ cho chính quyền.”

Những ngày tươi đẹp sắp kết thúc

Nhà nghiên cứu cho biết hiện nay, thị trường nhà ở, tài chính và ngân hàng của Trung Quốc đang căng thẳng. Ông cho rằng, Trung Quốc không chỉ có nguy cơ khủng hoảng kinh tế, mà những khó khăn hiện tại như tỷ lệ thất nghiệp cao và lương thấp sẽ còn tồi tệ hơn.

Điều đó sẽ “chấm dứt những ngày tháng tươi đẹp của nền kinh tế Trung Quốc”, theo ông Cheng.

Ông Cheng Xiaonong là một học giả về chính trị và kinh tế Trung Quốc, hiện sống tại New Jersey, Mỹ. Ông Cheng từng là nhà nghiên cứu chính sách và là phụ tá của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương. Ông cũng từng là chủ bút của Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc Hiện đại.