Trung Quốc hôm 1/3 đã bắt đầu cuộc tập trận kéo dài một tháng ở phía bắc Biển Đông; đồng thời cáo buộc các cường quốc phương Tây đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

BenarNews đưa tin, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc ra thông báo cấm tàu thuyền đi vào một khu vực rộng khoảng 80 km vuông, ở phía tây bán đảo Lôi Châu của Quảng Châu và phía bắc đảo Hải Nam ở Biển Đông. Tại khu vực này, Trung Quốc đang tổ chức cuộc tập trận quân sự từ ngày 1/3 đến ngày 31/3.

Khu vực diễn ra cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1/3-31/3/2021 (ảnh: BenarNews).
Khu vực diễn ra cuộc tập trận của Trung Quốc ở Biển Đông từ ngày 1/3-31/3/2021 (ảnh: BenarNews).

Cuộc tập trận diễn ra sau khi một số cường quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền của Trung Quốc. Theo BenarNews, sự hiện diện của các nước này “dường như đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ”.

Trung Quốc cáo buộc các nước khác làm căng thẳng Biển Đông

Trang BenarNews cho biết: Trong hai tháng qua, Hải quân Hoa Kỳ đã liên tục thực hiện “hoạt động tự do hàng hải” (FONOPS) và các hoạt động tương tự ở Biển Đông. Lực lượng hải quân của Pháp cũng đã quá cảnh qua khu vực này.

Có tin cho biết các quốc gia khác, chẳng hạn như Vương quốc Anh và Đức, cũng có kế hoạch cử các khí tài hải quân của mình đi qua Biển Đông.

Hôm 1/3, Bộ Quốc phòng Trung Quốc ra tuyên bố “kiên quyết phản đối bất kỳ quốc gia nào tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông dưới danh nghĩa ‘tự do hàng hải’; tạo ra bầu không khí căng thẳng; can thiệp vào các vấn đề khu vực; và gây tổn hại đến lợi ích của các nước trong khu vực.”

Mục đích của Trung Quốc khi tập trận 1 tháng ở Biển Đông

Cuộc tập trận kéo dài một tháng hiện nay chỉ là một trong số nhiều hoạt động gia tăng quân sự của Trung Quốc trong khu vực. Gần đây, Bắc Kinh đã cử các máy bay ném bom thực hiện các cuộc tập trận tấn công hàng hải ở Biển Đông.

Theo BenarNews, chuyên gia Oriana Skylar Mastro tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Stanford cho biết: “Các hoạt động quân sự của Trung Quốc ngày càng trở nên thường xuyên hơn ở Biển Đông”.

Bà cho biết những hoạt động này nhằm thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh và ngăn chặn các cường quốc can thiệp vào Biển Đông.

Trung Quốc áp đặt yêu sách chủ quyền đường 9 đoạn ở Biển Đông; dù tòa trọng tài thường trực ở La Hay, Hà Lan đã bác bỏ cơ sở pháp lý cho tuyên bố này vào năm 2016.