Lãnh đạo Tập Cận Bình đã đích thân chỉ đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc tập trung kiểm soát mạng internet toàn cầu, theo các tài liệu nội bộ của chính phủ mà The Epoch Times thu thập được gần đây.

Trong một bài phát biểu vào tháng 1 năm 2017, ông Tập cho biết “sức mạnh kiểm soát internet” đã trở thành “tâm điểm mới của cuộc tranh giành chiến lược quốc gia của [Trung Quốc]”. Ông Tập cũng chỉ rõ Hoa Kỳ là một “thế lực đối thủ” cản đường tham vọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Tham vọng thống trị internet toàn cầu

Mục tiêu cuối cùng của ĐCSTQ là kiểm soát tất cả nội dung trên internet toàn cầu. Như vậy chính quyền Trung Quốc có thể giành “quyền lực diễn ngôn” đối với các cuộc trao đổi và thảo luận trên trường thế giới.

Ông Tập đã nêu rõ tầm nhìn “sử dụng công nghệ để thống trị internet” nhằm đạt được toàn quyền kiểm soát mọi khía cạnh của hệ sinh thái trực tuyến; trong đó có các ứng dụng, nội dung, chất lượng, vốn và nhân lực.

Ông Tập đưa ra bài phát biểu này tại một cuộc họp lãnh đạo lần thứ tư của cơ quan quản lý internet hàng đầu của Trung Quốc; đó là Ủy ban các vấn đề không gian mạng trung ương. Cuộc họp diễn ra ở Bắc Kinh vào ngày 4 tháng 1 năm 2017; và được nêu chi tiết trong các tài liệu nội bộ do chính quyền tỉnh Liêu Ninh ban hành.

Các tuyên bố nhấn mạnh Bắc Kinh trong vài năm qua đang cố gắng thúc đẩy phiên bản kiểm duyệt Internet của Trung Quốc như một hình mẫu cho thế giới.

Trong một bài phát biểu khác được đưa ra vào tháng 4 năm 2016, được trình bày chi tiết trong một tài liệu nội bộ của chính quyền thành phố An Sơn ở tỉnh Liêu Ninh, ông Tập đã tự tin tuyên bố rằng trong “cuộc đấu tranh” giành quyền kiểm soát internet, ĐCSTQ đã chuyển từ vị thế “phòng thủ bị động” sang “tấn công và phòng thủ ”cùng một lúc.

Xây dựng ‘đối trọng chiến lược’ chống Mỹ

Chính quyền Trung Quốc có bộ máy giám sát và kiểm duyệt trực tuyến lớn nhất thế giới; được gọi là Great Firewall (Vạn lý Tường lửa). ĐCSTQ đang tìm cách mở rộng bộ máy này ra khắp thế giới.

Để hiện thực hóa tham vọng của mình, ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết phải “quản lý các mối quan hệ trên internet với Hoa Kỳ”; đồng thời “chuẩn bị cho cuộc chiến khó khăn” với Mỹ trong lĩnh vực này.

Ông Tập cũng chỉ đạo chính quyền tăng cường hợp tác với châu Âu, các nước đang phát triển và các quốc gia thành viên của “Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh; để tạo thành một “đối trọng chiến lược” chống lại Hoa Kỳ.

Chiến lược ba mũi nhọn của Trung Quốc

Ông Tập đã ra lệnh cho chính quyền tập trung vào ba lĩnh vực “quan trọng” nhằm theo đuổi việc kiểm soát internet toàn cầu.

Đầu tiên, Bắc Kinh cần có khả năng “đặt ra các quy tắc” điều hành hệ thống quốc tế.

Thứ hai, Trung Quốc cần cài cắm những người đại diện của ĐCSTQ vào các vị trí quan trọng trong các tổ chức internet toàn cầu.

Thứ ba, ĐCSTQ cần giành được quyền kiểm soát đối với cơ sở hạ tầng làm nền tảng cho internet, chẳng hạn như các máy chủ gốc.

Cảnh báo của chuyên gia

Ông Gary Miliefsky, chuyên gia an ninh mạng và nhà xuất bản của Tạp chí Phòng thủ mạng, nói với The Epoch Times rằng, nếu ĐCSTQ giành được quyền kiểm soát nhiều máy chủ gốc hơn nữa, thì họ có thể chuyển hướng lưu lượng truy cập đến bất cứ nơi nào họ muốn.

Ví dụ: nếu người dùng muốn truy cập một bài báo về chủ đề bị Bắc Kinh coi là nhạy cảm, thì máy chủ DNS do Trung Quốc kiểm soát có thể chuyển người dùng đến một trang giả mạo thông báo bài viết không còn trực tuyến.

Ông nói: “Chỉ cần họ kiểm soát đường dẫn, họ có thể làm nhái hoặc giả mạo bất cứ thứ gì. Họ có thể kiểm soát những gì mọi người nhìn thấy, những gì mọi người không nhìn thấy”.

“Sẽ không có tự do ngôn luận. Và mọi người sẽ luôn bị nghe trộm một cách trực tiếp”, ông Miliefsky nói. “Tất cả những ai tham gia (mạng lưới) sẽ bị nghe trộm bởi một chính phủ duy nhất” – ĐCSTQ.

Ông Miliefsky cho biết kế hoạch này khó có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi giữa các quốc gia; nhưng có thể được các quốc gia độc tài cùng chí hướng như Triều Tiên ủng hộ. Kế đến, các quốc gia tham gia dự án Vành đai – Con đường và dính bẫy nợ của Trung Quốc, cũng dễ có nguy cơ phải chịu kiểm soát của Bắc Kinh, theo chuyên gia.

Từ Khóa: