Hội đồng Chính sách Quốc tế thuộc Viện Gatestone (Mỹ) hôm 13/8 công bố báo cáo kết luận “Trung Quốc đang tiếp tục hành động phi pháp ở Biển Đông.

Vào ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông.

Phán quyết có ràng buộc pháp lý nhưng Bắc Kinh không chấp nhận tuân thủ. Nhân kỷ niệm 5 năm ngày ra Tòa Trọng tài ra Phán quyết, Trung Quốc tiếp tục bác bỏ toàn bộ Phán quyết.

Theo Wu Shicun, chủ tịch Viện Nghiên cứu Biển Đông Quốc gia: “Quan điểm của chính phủ Trung Quốc về Phán quyết là rõ ràng. Đó là không chấp nhận, không tham gia và không công nhận”.

Ông này nói thêm: “Phán quyết trọng tài đã bị Trung Quốc coi là ‘tờ giấy vụn’ từ lâu; nó đã bị ném vào thùng rác của lịch sử”.

Báo cáo của nhà nghiên cứu Judith Bergman thuộc Viện Gatestone viết: “Các hành động của Trung Quốc trái với phán quyết vẫn tiếp tục trong một số lĩnh vực”.

Báo cáo trích dẫn thông tin từ The Washington Times ngày 13 tháng 7 năm 2021:

“Quân đội Trung Quốc gần đây đã triển khai các máy bay và trực thăng cảnh báo và giám sát điện tử trên hai hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông. Các nhà phân tích cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy quân đội Trung Quốc đã bắt đầu các hoạt động không quân thường lệ từ các căn cứ.

Các hình ảnh vệ tinh do The Washington Times thu được cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai máy bay điều khiển và cảnh báo trên không KJ-500 tới bãi Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa. Hình ảnh khác cho thấy máy bay vận tải Y-9 và trực thăng Z-8 đã tới Đá Subi vào tháng 6, tháng 8.

Các bức ảnh này do ông J. Michael Dahm, một cựu sĩ quan tình báo Hải quân đang làm việc cho Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, thu được.

Ông Dahm cho biết: “Sự thay đổi quan trọng nhất trong thế trận quân sự vào năm 2021 là sự xuất hiện của máy bay và trực thăng đặc nhiệm của Trung Quốc tại Đá Subi và Đá Vành Khăn”.

Trung Quốc đã xây dựng hai bãi đá này thành hai đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Ông Dahm nói: “Những đảo nhân tạo này lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong năng lực của hải quân đội Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là về khả năng trinh sát và không quân.”

Tiến sĩ Bryce Wakefield, giám đốc điều hành quốc gia của Viện Các vấn đề Quốc tế Australia (AIIA), cho biết: “Điều này cho thấy Trung Quốc đang cố gắng tăng cường kiểm soát đối với khu vực”.