Nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong một cuộc khủng hoảng sâu sắc, khiến nước này có thể tự “dính bẫy nợ” với canh bạc hàng tỷ USD. Việc phong tỏa liên tục do chính sách ‘zero covid’ cùng với bất động sản suy thoái và giá dầu tăng kỷ lục đã cản trở các mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Tập Cận Bình.

Tờ TFI Global dẫn phân tích của Bloomberg cho biết, Trung Quốc có kế hoạch chi 2,3 nghìn tỷ USD cho hàng nghìn “dự án lớn” nhằm vực dậy nền kinh tế. Con số này cao gấp đôi so với mức chi 1,1 nghìn tỷ USD mà Quốc hội Mỹ công bố vào năm 2021. Tuy nhiên, canh bạc của ông Tập có thể khiến nền kinh tế Trung Quốc “tự dính bẫy nợ” của bản thân.

Trung Quốc không biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào để vực nền kinh tế đang ốm yếu

Theo truyền thống, Trung Quốc sẽ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải với hàng tỷ USD được đưa vào đường cao tốc, đường sắt, sân bay và cảng biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh không còn ‘cửa’ đầu tư vào lĩnh vực giao thông vận tải. Quốc gia này đã có số lượng đường sắt cao tốc nhiều gấp đôi so với phần còn lại của thế giới cộng lại. Điều đó cũng khiến Trung Quốc đang mắc nợ do chi phí vận hành cao và không có lợi nhuận.

Và trong lĩnh vực đường bộ cũng vậy, Bắc Kinh không còn nhiều ‘cửa’ để đầu tư. Trung Quốc đã có mạng lưới đường cao tốc dài nhất thế giới. Nếu nước này tiếp tục mở rộng nó đến các khu vực cằn cỗi và xa xôi của Trung Quốc, thì điều đó sẽ chỉ phản tác dụng do thiếu tính khả thi về kinh tế.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng không thể đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Năm 2021, lĩnh vực này đã bị sụt giảm nghiêm trọng, nhiều tập đoàn lớn bất động sản có nguy cơ vỡ nợ. Nếu Bắc Kinh tiếp tục đổ nhiều tiền hơn vào bất động sản, nó sẽ đi ‘xuống cống’ và tạo ra nhiều thành phố ma hơn ở Trung Quốc, theo TFI.

Bắc Kinh đang chi 30% trong tổng số 2,3 nghìn tỷ USD kích thích vào cơ sở hạ tầng truyền thống. Nhưng hơn một nửa số tiền kích cầu sẽ được dành cho lĩnh vực sản xuất và dịch vụ. Trung Quốc sẽ xây dựng nhiều khu công nghiệp, nhà máy, vườn ươm công nghệ, công viên giải trí.

Sản xuất không thể duy trì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc

Theo TFI Gloabal, chính quyền Trung Quốc ném hàng tỷ USD vào nền kinh tế nó có thể giúp tăng trưởng tạm thời. Tuy nhiên, nó cũng dẫn đến lạm phát lớn hơn do đưa lượng lớn tiền vào nền kinh tế.

Điểm mấu chốt là lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc không thể duy trì tăng trưởng trong thời gian dài. Bởi vì lợi thế lao động giá rẻ của Trung Quốc sẽ không tồn tại lâu. Nhân khẩu học của Trung Quốc đang chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng. “Dân số già” rất nhanh do tỷ lệ sinh giảm.

Trước đó, Bắc Kinh cũng đã từng chi tiêu rất nhiều, các nhà đầu tư nước ngoài từng tỏ ra lạc quan đối với lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc do có nguồn lao động giá rẻ. Tuy nhiên, Bắc Kinh đang đánh mất lợi thế đó và ông Tập khó có thể thu được lợi nhuận tốt từ kế hoạch chi lớn vào cơ sở hạ tầng liên quan đến lĩnh vực sản xuất.

‘Tham thì thâm’: Trung Quốc nguy cơ ‘dính bẫy nợ’ của bản thân

Thêm vào đó, chính sách phong tỏa nghiêm ngặt do COVID-19 bùng phát thường xuyên ở Trung Quốc đã dẫn đến việc đóng cửa và ngừng sản xuất. Bắc Kinh có thể sẽ không thể cải tổ lĩnh vực xuất khẩu của mình do mối quan hệ với các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Ngoài ra, cựu Tổng thống Donald Trump có khả năng sẽ trở lại nắm quyền ở Mỹ vào năm 2024, điều này có thể dẫn đến cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc lần thứ hai và gây thêm áp lực lên lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc.

Vì vậy, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ không kéo dài quá lâu. Các khoản nợ hàng tỷ USD sẽ chồng chất do chính sách kích thích xây dựng của ông Tập. Nền kinh tế bắt đầu hướng tới rủi ro vỡ nợ ngày càng tăng và cuối cùng là sụp đổ.

Nền kinh tế Trung Quốc đang quay cuồng với gánh nặng nợ nần chồng chất. Cùng với nợ chính thức, ‘nợ ẩn’ mà chính quyền địa phương và cấp tỉnh ký hợp đồng lên tới hàng nghìn tỷ USD. Giờ đây, biện pháp kích thích xây dựng của ông Tập có thể dẫn đến nhiều nợ hơn và nhiều rắc rối hơn, điều này cuối cùng sẽ khiến Trung Quốc bị mắc kẹt trong nợ nần, theo TFI.