Trung Quốc thường xuyên xâm phạm vùng biển của Việt Nam và các nước ven Biển Đông khác nhằm đáp ứng nhu cầu khổng lồ về tài nguyên dầu khí, theo một báo cáo mới công bố tại Mỹ.

Viện Nghiên cứu Năng lượng (IER), một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thủ đô Washington, đã công bố báo cáo này vào ngày 26/10.

Theo The Epoch Times, báo cáo viết: “Mặc dù Trung Quốc đã đầu tư mạnh tay vào việc sản xuất cái mà Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) gọi là khoáng chất chuyển đổi năng lượng (ETM); sản xuất nhiều tấm pin mặt trời hơn bất kỳ quốc gia nào khác; và đang nhanh chóng mở rộng quy mô sản xuất pin điện; nhưng nhu cầu năng lượng của Trung Quốc là rất hỗn tạp”.

“Dù nó đã tăng cường sản xuất ETM, tấm pin mặt trời và pin điện; nhưng Trung Quốc chưa bao giờ lơ là khỏi việc truy lùng các nguồn tài nguyên hóa thạch, vốn chiếm phần lớn trong tổng số các nguồn năng lượng hỗn tạp của nước này.”

Báo cáo cho biết: “Nhu cầu dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao của Trung Quốc đã thúc đẩy chính sách gia tăng sản lượng tài nguyên”.

Hệ quả của chính sách này là Trung Quốc “hiện thường xuyên xâm phạm vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông khác, chẳng hạn như Việt Nam, Philippines và Malaysia”, theo báo cáo của IER.

“Bất chấp các phán quyết quốc tế chống lại hành vi của nước này trong khu vực, các hoạt động theo đuổi bành trướng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng trong những năm gần đây, gây nguy hiểm cho lợi ích chung toàn cầu về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.”

Nhu cầu khí đốt khổng lồ của Trung Quốc

Tác giả của báo cáo là ông Jordan McGillis, phó giám đốc phụ trách chính sách của IER.

Ông McGillis cho biết: Mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây. Trong khi Bắc Kinh thường được ca ngợi trên các phương tiện truyền thông phương Tây vì những nỗ lực trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, thì thực tế là Bắc Kinh rất thèm khát các nhiên liệu hóa thạch, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, theo ông McGillis.

“Ngày nay, Trung Quốc tiêu thụ dầu thô nhiều hơn 50% so với thời điểm chỉ 10 năm trước. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA), tăng trưởng tiêu thụ dầu của Trung Quốc chiếm 2/3 lượng tiêu thụ dầu toàn cầu mới trong năm 2019”, ông McGillis viết trong báo cáo.

Nhu cầu ở Trung Quốc lớn đến nỗi, ngay cả khi nền kinh tế thế giới chậm lại do COVID-19 gây ra, Bắc Kinh đã đốt nhiều dầu thô hơn vào năm 2020, khoảng 5 tỷ thùng dầu. Đây là mức tiêu thụ trong năm cao nhất từ ​​trước đến nay.

Biển Đông trở thành ‘miếng mồi hấp dẫn’ của Trung Quốc

The Epoch Times cho biết: “Biển Đông là một khu vực màu mỡ để thăm dò dầu khí; và việc Trung Quốc mở rộng hoạt động trong khu vực là một phần quan trọng trong chương trình chính trị tổng thể của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.”

Ông McGillis trích lời bà Erica Downs, học giả nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu của Đại học Columbia, về kế hoạch của Bắc Kinh: “Vào tháng 7 năm 2018, ông Tập đã chỉ thị cho [các công ty dầu khí quốc gia] của Trung Quốc tăng cường thăm dò và sản xuất dầu và khí tự nhiên trong nước nhằm tăng cường an ninh năng lượng quốc gia. Chỉ thị của ông Tập nhất quán với việc ông ta đề cao khả năng tự lực để đối phó với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung”.

Nhà nghiên cứu McGillis cho biết: Có hàng nghìn giếng dầu và khí đốt mới đã được khoan theo chỉ thị của ông Tập; trong đó có hàng trăm giếng dầu ở “các khu vực ngoài khơi đang tranh chấp của Biển Đông”.

EIA ước tính Biển Đông chứa ít nhất 10 tỷ thùng dầu có thể khai thác và 200 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên. Nhưng Trung Quốc ước tính trữ lượng này còn lớn hơn, theo ông McGillis.

Với yêu sách “Đường chín đoạn” (Đường lưỡi bò) ở Biển Đông, Bắc Kinh thường xuyên vi phạm các Vùng Đặc quyền Kinh tế do quốc tế công nhận của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Ông McGillis cho biết: “Mỗi quốc gia nói trên thường xuyên nhận thấy các ngành đánh cá và năng lượng của mình bị quấy rối bởi các thực thể Trung Quốc, cả chính thức lẫn không chính thức; đồng thời phát hiện các thực thể Trung Quốc đang theo đuổi các hoạt động đánh bắt hải sản và khai thác năng lượng của mình”.