Chính quyền Trung Quốc tuyên bố sẽ không xem xét cho tàu chiến Đức thăm Thượng Hải nếu Berlin không “làm rõ ý định” của mình tại Biển Đông.
Tàu chiến Bayern hôm 2/8 đã khởi hành đến khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Dự kiến con tàu sẽ đi qua Biển Đông trong hành trình trở về vào tháng 12.
Ý định của Đức ở Biển Đông
Đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua Biển Đông kể từ năm 2002. Động thái này của Đức là thông điệp nhằm phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Đức, tàu Bayern sẽ có các chuyến ghé thăm tại Australia, Guam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Singapore.
Phía Đức cũng đề nghị Trung Quốc cho phép tàu thăm Thượng Hải “để duy trì đối thoại”.
Phản ứng của Bắc Kinh
Theo SCMP, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc xác nhận: “Phía Đức đã yêu cầu phía Trung Quốc thu xếp để tàu chiến của họ đến thăm Thượng Hải thông qua nhiều kênh”.
“Nhưng liên quan đến hoạt động của tàu chiến này, thông tin mà phía Đức đưa ra trước và sau là quá khó hiểu. Trung Quốc sẽ đưa ra quyết định sau khi phía Đức đã làm rõ đầy đủ các ý định liên quan”.
Người phát ngôn cho biết Trung Quốc hy vọng các tàu chiến sẽ “nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế” trong các chuyến đi ở Biển Đông; tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích của các nước ven biển; đồng thời “kiềm chế không làm những việc gây tổn hại đến hòa bình và ổn định của khu vực”.
Chuyên gia phân tích
Theo SCMP, các chuyên gia Trung Quốc cho biết sự hiện diện của Đức ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là nhằm thể hiện cam kết với Mỹ trong việc gây áp lực lên Trung Quốc.
Ông Sun Keqin, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, cho biết: “Chuyến đi tới Biển Đông là một động thái chiến lược trong việc hợp tác với Mỹ để gây sức ép với Trung Quốc”.
Nhưng ông nói thêm rằng: “Đức vẫn coi Trung Quốc là một đối tác hợp tác về tổng thể và hợp tác là khía cạnh chính”.
Vì vậy, ông Sun cho biết Đức không muốn tỏ ra quá cứng rắn trong quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình.
Mặt khác, Berlin cũng cố gắng không đe dọa Bắc Kinh bằng kế hoạch không đi vào giới hạn 12 hải lý của các khu vực tranh chấp. Hơn nữa việc Đức đề nghị thăm cảng thượng Hải là một động thái ngoại giao.
Ông Sun nói: “Đó cũng là một động thái ngoại giao cân bằng khi xin phép đến thăm cảng Thượng Hải”.
Ông Thorsten Benner, Giám đốc Viện Chính sách Công Toàn cầu ở Berlin, cho biết việc gửi khinh hạm tới Biển Đông là một bước tiến lớn đối với chính sách đối ngoại của Đức.
Đây cũng là một tín hiệu quan trọng cho thấy Đức quan tâm đến luật pháp quốc tế và tự do hàng hải ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, hợp tác chặt chẽ với các đối tác có cùng quan điểm trong khu vực, theo ông Benner.