Theo Nikkei, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Indonesia dừng dự án khai thác dầu khí ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Jakarta xâm phạm lãnh hải của Bắc Kinh.

Vào tháng 7, Indonesia bắt đầu khoan dầu ở vị trí gần quần đảo Natuna ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia. Jakarta cho rằng nơi này không có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Tuy nhiên, khu vực này cũng nằm trong phạm vi “đường chín đoạn” phi pháp của Trung Quốc. Vì vậy, Bắc Kinh cáo buộc Indonesia vi phạm chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoài việc phản đối ngoại giao, Trung Quốc đã cử các tàu tuần duyên đến khu vực này để gia tăng sức ép, theo thông tin từ chính phủ Indonesia, có trích dẫn lời kể của các nhân chứng.

Bắc Kinh đã tăng cường hoạt động gần quần đảo Natuna kể từ năm 2019, từ đó làm gia tăng căng thẳng với Jakarta.

Vào tháng 5 năm 2020, Indonesia đã gửi cho Liên Hợp Quốc một lá thư bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Về phần mình, Trung Quốc đã gửi một bức thư tới Liên Hợp Quốc, vừa duy trì các yêu sách ở Biển Đông, vừa tìm cách đàm phán với Indonesia. Nhưng Indonesia từ chối ngồi vào bàn đàm phán.

Trong một bài báo hồi tháng 11, Tân Hoa xã của nhà nước Trung Quốc đã chỉ ra sự can dự sâu sắc của Chủ tịch Tập Cận Bình vào vấn đề Biển Đông.

“Ông Tập đã đi đầu trong việc lập kế hoạch chiến lược và chiến thuật, và nếu cần thiết, sẽ đích thân can thiệp”, bài báo viết.

Indonesia nghi ngờ Trung Quốc đang tìm kiếm cơ hội để nắm quyền kiểm soát quần đảo Natuna. Vì vậy Indonesia đang tăng cường phòng thủ bên trong và xung quanh quần đảo này. Quân đội Indonesia đang kéo dài một đường băng ở căn cứ không quân trên quần đảo, để có thể triển khai thêm các máy bay khác. Nước này cũng đang xây dựng một căn cứ tàu ngầm. Chính phủ cũng yêu cầu các tàu cá địa phương tham gia vào hệ thống cảnh báo sớm để đề phòng tàu Trung Quốc tiếp cận.

Indonesia và Mỹ đang xây dựng một cơ sở đào tạo chung cho các nhân viên tuần duyên gần Natuna. Hai quốc gia đã tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ ​​trước đến nay vào tháng 8 năm 2021. Cuộc tập trận mô phỏng việc phòng thủ đảo, diễn ra ở ba địa điểm ở Indonesia.

Xung đột về quần đảo Natuna đã làm xấu đi tình cảm của Indonesia đối với Trung Quốc. Theo cảnh sát, khoảng 25 người Indonesia đã phản đối sự xâm nhập của Trung Quốc vào lãnh hải Indonesia vào ngày 8/12 trước Đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta.

Tuy nhiên, Jakarta muốn tránh một cuộc bùng nổ quân sự ngẫu nhiên với đối tác thương mại hàng đầu của mình. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Prabowo Subianto đã hội đàm trực tuyến với người đồng cấp Trung Quốc vào ngày 30/11 và nhấn mạnh mong muốn xây dựng lòng tin.