tu bien dong den khong gian trung quoc phai lanh hau qua cho cac hanh vi cua minh
Trung Quốc thử nghiệm tên lửa Trường Chinh – 5B (ảnh chụp màn hình CCTV4).

Trong một bài bình luận đăng trên trang Spacenews, nhà nghiên cứu Dean Cheng tại Quỹ Di sản (The Heritage Foundation), một viện nghiên cứu của Mỹ, đã chỉ ra hàng loạt hành vi vô trách nhiệm của Trung Quốc, từ Biển Đông đến dịch COVID-19 và các hoạt động không gian vũ trụ.

Gây hấn tại Biển Đông

Ông Cheng cho biết “Bắc Kinh đã cố gắng thay đổi sự thật để củng các tuyên bố của mình. Quốc gia này đã nỗ lực bồi đắp và cải tạo đất thuộc quần đảo Trường Sa, cũng như các cuộc đối đầu khác với Việt Nam, Philipines và một số quốc gia khác. Điều quan trọng, Trung Quốc đã tìm cách hạn chế hoạt động của hải quân Mỹ ở Biển Đông”.

Trung Quốc đang đưa ra các yêu sách phi lý tại khu vực có khoảng 5.3 nghìn tỷ USD thương mại đi qua hằng năm.

Che giấu thông tin về đại dịch Covid-19

Trước phản ứng không minh bạch và chậm chạp của Bắc Kinh đối với chủng coronavirus mới, nhà nghiên cứu Dean Cheng cho biết: “Chính quyền Trung Quốc đã bất chấp các nghĩa vụ theo Quy định Y tế Quốc tế, không thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chủng virus corona mới có thể lây truyền từ người sang người. Hơn nữa, quốc gia này còn không hợp tác với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) và WHO trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát dịch bệnh, khiến cả thế giới mất nhiều ngày để đối phó với chủng virus nguy hiểm này”.

Đe dọa an toàn không gian vũ trụ

Trước đó tờ the Guadian đưa tin, năm 2011, Trung Quốc đã đưa Trạm Thiên Cung-1 (Tiangong-1) trọng lượng 8 tấn – Phòng thí nghiệm đầu tiên vào không gian vũ trụ. Tháng 3/2016 vật thể này đã ngừng hoạt động và bắt đầu rơi tự do. Các kỹ sư Trung Quốc không có khả năng kiểm soát hay điều khiển, thay đổi quỹ đạo của nó.

Theo hãng Forbes, vào ngày 5/5/2020, Trung Quốc đã phóng tên lửa Trường Chinh 5B (Long March-5B) có chiều dài khoảng 53,7m và trọng lượng cất cánh tối đa 849 tấn. Vật thể này quay lại Trái Đất vào khoảng 11h sáng ngày 11/5 sau 1 tuần ở trên quỹ đạo, với tốc độ di chuyển hàng ngàn km mỗi giờ.Theo quân đội Mỹ, khả năng động cơ của nó đã rơi xuống Đại Tây Dương, ngoài khơi bờ biển Tây Phi.

Theo Wikipedia, năm 2007, Trung Quốc đã phá hủy thành công một vệ tinh thời tiết (FY-1C) không còn hoạt động. Cuộc thử nghiệm làm tăng sự lo ngại của nhiều quốc gia vì khả năng phá hủy của nó cũng như chính quyền Trung Quốc đã không công khai thông tin, có thể vì một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian vũ trụ.

Nhà nghiên cứu Quỹ Di Sản nhận định: “Thật vậy, nhiều khả năng Bắc Kinh đã bắt kịp toàn cầu về không gian vũ trụ, những lời chỉ trích của quốc tế rất dễ bị bỏ qua”.

Ông Cheng cảnh báo: “Đáng lo ngại hơn, chính quyền Trung Quốc đã chứng minh rằng họ sẽ cố gắng lách hoặc lách luật của các quốc gia khác để tiếp cận các công nghệ quan trọng, bao gồm cả công nghệ vũ trụ.

Một ví dụ điển hình, Trung Quốc đã thông qua Công ty khởi nghiệp Global IP để đầu tư 200 triệu USD vào Công ty Boeing để chế tạo một quả vệ tinh mới bằng hình thức ủy thác.Từ đó, phía Trung Quốc nhiều lần yêu cầu được xem tất cả các tài liệu của công ty bao gồm hợp đồng, bản thiết kế và chi tiết kỹ thuật, theo tài liệu của Wall Street Journal đăng tải tháng 12/2018.

Thế giới cần hành động

Chuyên gia Cheng kêu gọi cộng đồng quốc tế cần hành động trước hàng loạt hành vi vô trách nhiệm của Bắc Kinh: “Chính quyền Trung Quốc phải chịu trách nhiệm trước sự kiện Long March-5B và Tiangong-1, không dung thứ cho các hành vi phá vỡ các chuẩn mực và quy tắc quốc tế .

Ông nhận định “Việc không kìm hãm được Trung Quốc theo các chuẩn mực quốc tế khiến Biển Đông hiện trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, Bắc Kinh ngày càng hung hăng trên biển với các nước láng giềng như Indonesia”.

Vị chuyên gia Quỹ Di Sản đề xuất giải pháp “ Cần giám sát hoạt động đầu tư của Trung Quốc vào các công ty vũ trụ nước ngoài. Có khả năng Bắc Kinh sẽ thúc đẩy phương thức sở hữu thiểu số nhằm tiếp cận công nghệ nhạy cảm nhưng không vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu hoặc giám sát đầu tư nước ngoài. Nếu Trung Quốc sở hữu hoàn toàn với các công ty công nghệ tiên tiến bao gồm các doanh nghiệp liên quan đến không gian vũ trụ thì điều đó ngày càng thách thức Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây.

Ông Cheng cho rằng “Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm phá vỡ các quy định xuất khẩu vũ khí và luật sở hữu trí tuệ cần phải bị bác bỏ một cách kiên quyết, thay vì mở rộng “hợp tác” kinh doanh với họ”.

Trung Quốc cho rằng quyền kiểm soát đối với người dân Hồng Kông, các vùng biển của Biển Đông và thông tin liên quan đến COVID-19 quan trọng hơn bất kỳ nghĩa vụ quốc tế nào.