Tử tù Đặng Văn Hiến – người nông dân bắn lại nhóm lợi ích đến cưỡng chế đất ở Đắk Nông vừa được ông Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định miễn tội chết, giảm án xuống chung thân.

Thoát án tử sau 4 năm xử

Sáng 15/9, bà Khuyên – vợ tử tù Đặng Văn Hiến cho biết, đã được trại giam tỉnh Đắk Nông thông báo việc Chủ tịch nước ký ân giảm án tử hình cho chồng, theo báo Pháp luật TP. HCM.

Trước đó, vào tháng 1/2018, TAND tỉnh Đắk Nông tuyên phạt ông Đặng Văn Hiến (47 tuổi) tử hình vì liên quan vụ nổ súng làm 3 người chết, 13 người bị thương tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức. Sau đó, bà Khuyên cùng nhiều luật sư đã gửi đơn đi các nơi, xin giảm án cho chồng.

Trong đơn, luật sư nêu: Ông Hiến là một nông dân cần cù, chưa có tiền án, tiền sự, hành vi của ông Hiến mặc dù nguy hiểm và hậu quả lớn, song không phải vì động cơ giết người mà xuất phát từ bức xúc do chính nạn nhân với số đông áp đảo gây ra tại khu đất nhà bị cáo

Theo cáo trạng, năm 2008 UBND tỉnh Đắk Nông cho Công ty Long Sơn thuê 1.079 ha đất rừng để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Tuy nhiên, một số hộ dân đã đến xâm canh trồng điều, cà phê và sang nhượng cho các hộ dân khác. Trong đó có gia đình ông Hiến và một số người khác.

Sáng 23/10/2016, hơn 30 nhân viên của Công ty Long Sơn đã mang máy móc, hung khí vào san ủi, phá hủy cây điều, cà phê của nhà ông Hiến và hai hộ dân khác. Ông Hiến cầm súng đi ra cảnh báo thì bị nhóm người của Công ty Long Sơn tấn công lại.

Hiến chạy vào nhà và bắn nhiều phát vào nhóm người của Công ty Long Sơn. Thêm một số người hỗ trợ tiếp đạn, nhóm ông Hiến bắn làm chết ba người, 13 người khác bị thương… Sau đó ông Hiến ra đầu thú.

Trong vụ việc này, có lỗi của phía chính quyền khi chây ì việc giải quyết tranh chấp giữa công ty Long Sơn và người dân, dẫn đến xung đột đổ máu.

17 trường hợp bị oan trong giai đoạn điều tra, truy tố

Sáng 15/9, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói trước Thường vụ Quốc hội rằng, từ đầu năm 2022, có “17 trường hợp bị oan” trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc trách nhiệm của VKS, đồng thời vẫn còn để xảy ra trường hợp VKS truy tố nhưng tòa án tuyên không phạm tội.

Zing dẫn lời Viện trưởng VKS tối cao Lê Minh Trí nói rằng, với trên 120.000 vụ án hình sự mỗi năm, thì 17 vụ được nhận định là oan sai “không nói lên điều gì”. Ông cũng nhấn mạnh việc này cần lưu ý, nhưng không nên đánh giá quá sớm, tạo tâm lý trong thực thi nhiệm vụ.

Xây cầu nối Bến Tre – Vĩnh Long

Cầu Đình Khao thay thế phà qua sông Cổ Chiên nối hai tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long sẽ được xây dựng với kinh phí hơn 3.200 tỷ đồng, hoàn thành sau 4 năm, theo VnExpress.

Dự án thực hiện bằng hình thức PPP (đối tác công tư) với vốn ngân sách khoảng 50%, còn lại vốn doanh nghiệp và đối ứng hai địa phương. Thời gian thực hiện công trình từ 2022 đến 2026.

Vị trí xây cầu Đình Khao bắc qua sông Cổ Chiên (ảnh chụp màn hình trên báo VnExpress).

Quyết định ‘kỳ lạ’ của tòa

Theo phản ánh của Tiền Phong, một sự việc ‘lạ’ xảy ra trong ngành tòa án. Theo đó, có một văn bản là Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự số 710/2022-QĐST- HNGĐ (QĐ 710/2022), phía bên trái đầu văn bản là Tòa án Nhân dân huyện Hóc Môn, còn tại phần ký tên, đóng dấu lại là thẩm phán TAND quận Tân Phú.

Quyết định 710/2022 có nội dung, đình chỉ giải quyết vụ án hôn nhân gia đình giữa nguyên đơn là bà M. (ngụ quận Gò Vấp, TP. HCM) và bị đơn là ông Đ. (ngụ quận Tân Phú, TP. HCM). Hoàn trả cho nguyên đơn 300 ngàn tiền ứng án phí…

Sau khi quyết định theo kiểu ‘râu ông nọ cắm cằm bà kia’ được phản ánh, phía tòa án không hủy bỏ mà chỉ đính chính vì ‘nhầm lẫn kỹ thuật’.

Tuyến đường sắt hiện đại làm 17 năm chưa xong

Bài viết trên báo Tiền Phong, phản ánh về tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long; được hy vọng khi hoàn thành sẽ là 1 trong 2 tuyến đường sắt quốc gia hiện đại nhất nước, với khổ ray 1.435mm.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng, chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập. Dự án được khởi công từ năm 2005, nhưng tới năm 2011 gặp khó khăn về nguồn vốn nên bị đình hoãn, giãn tiến độ đến nay.

Ga Hạ Long trên tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân được đầu tư hiện đại nay đã tạm dừng do phương tiện hết niên hạn sử dụng (ảnh chụp màn hình trên báo Tiền Phong).

Tình trạng dự án thoi thóp khiến người dân địa phương khổ sở. Trong đó, các hộ dân trong phạm vi tuyến đường suốt thời gian dài chưa được di dời giải phóng mặt bằng, cũng không được xây dựng, sửa chữa nhà ở; không được tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất; không được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Hiện chưa rõ số phận của dự án này ra sao, chỉ biết theo đánh giá năm 2016 của Bộ GTVT, để hoàn thành dự án, phải cần thêm 6.000 tỷ đồng.

Có thể bạn quan tâm: