Tuyên bố Trung – Ấn được đưa ra sau khi ngoại trưởng hai nước có cuộc gặp bên lề hội nghị của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) ở Moscow (Nga) ngày 10/9.

Ấn Độ, Trung Quốc ra tuyên bố chung về tranh chấp biên giới: thống nhất xoa dịu căng thẳng và nhanh chóng rút quân
Ngoại trưởng Ấn Độ – Nga -Trung Quốc tại Mosco ngày 10/9 (Ảnh do Bộ Ngoại giao Nga công bố).

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc, Vương Nghị đã đạt được sự đồng thuận gồm 5 điểm, bao gồm các thỏa thuận quân đội hai bên nhanh chóng rút lui và xoa dịu căng thẳng, theo thông cáo của Bộ ngoại giao Ấn Độ.

Trong tuyên bố chung, hai Bộ trưởng nhất trí rằng “Tình hình hiện nay ở khu vực biên giới không có lợi cho bên nào. Do đó, thống nhất rằng quân đội khu vực biên giới của hai bên cần tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và xoa dịu căng thẳng”.

Ngày 11/9, Bộ trưởng Trung Quốc nói rằng “điều cấp bách nhất là phải ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích như nổ súng và các hành động nguy hiểm khác, vốn vi phạm các cam kết mà hai bên đã đạt được”.

Ấn Độ bất ngờ ký thỏa thuận quân sự với Nhật

Tờ Kyodo (Nhật Bản) ngày 10/9 đưa tin Ấn Độ và Nhật Bản đã ký hiệp ước tương trợ giữa Lực lượng vũ trang Ấn Độ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản có tên Thỏa thuận về tiếp nhận và cung ứng dịch vụ tương hỗ.

Kyodo nhận định đây là một phần của nỗ lực nhằm tăng cường hợp tác an ninh khu vực trong bối cảnh nhiều nước phải đối mặt với thách thức gia tăng từ Trung Quốc. Bản hiệp ước cho phép các thiết bị quân sự được cung cấp nhanh chóng, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác của lực lượng vũ trang hai nước.

Theo báo Times of India (Ấn Độ), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng hiệp định tương trợ giữa quân đội hai nước là một bước phát triển mới giúp tăng cường hòa bình và an ninh trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Kịch bản quan hệ ngoại giao Trung-Ấn?

Hiệp ước tương trợ giữa vũ trang Nhật – Ấn được cho là sẽ góp phần gia cường mối liên hệ của nhóm “Tứ giác Kim cương” bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, nhưng sẽ làm gia tăng căng thẳng Trung – Ấn.

Cùng lúc Ấn Độ đã thực hiện hai ‘bước đi’ ngoại giao bất ngờ và có vẻ trái ngược. Điều này ngay lập tức thu hút sự chú ý của các chuyên gia tại Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group.

Theo họ, 60% sẽ xảy ra kịch bản quan hệ Trung – Ấn tiếp tục bế tắc, các cuộc tranh chấp và căng thẳng vẫn sẽ diễn ra, CNBC đưa tin.

Ấn Độ, Trung Quốc ra tuyên bố chung về tranh chấp biên giới: thống nhất xoa dịu căng thẳng và nhanh chóng rút quân
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Ấn Độ gặp ở Nga tối 4.9 (ảnh: Twitter/ Rajnath Singh)

Các chuyên gia nhận định “đã có nhiều vòng đàm phán giữa đại diện cấp cao hai nước về vấn đề biên giới, nhưng chưa cuộc đàm phán nào thành công trong việc ngăn chặn các cuộc giao tranh mới”.

Eurasia Group cho rằng, về mặt chính trị, Thủ tướng Ấn Độ Modi không có ‘đường lui’. Trước đó ông đã nhận phải chỉ trích vì việc không thừa nhận sự xâm phạm lãnh thổ của Trung Quốc. Nếu để việc này tiếp diễn, hình ảnh “bảo vệ Ấn Độ” của ông sẽ bị tổn hại nghiêm trọng.

Ngược lại, “Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ không lùi bước. Các dấu hiệu chỉ ra rằng vấn đề biên giới vẫn căng thẳng và bế tắc tiếp tục diễn ra trong bối cảnh cả hai nước đều đang chuẩn bị cho một cuộc xung đột lâu dài.”

Eurasia Group cũng dự đoán có 25% cơ hội đàm phán ngoại giao thành công giúp giảm leo thang căng thẳng và 15% xác suất xảy ra xung đột quân sự tồi tệ hơn ở biên giới.