Báo Nikkei của Nhật Bản hôm 18/4 đã có bài phân tích về hàm ý trong bản tuyên bố chung của Mỹ và Nhật Bản sau cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nguyên thủ quốc gia.

Tờ báo cho rằng “có nhiều điều có thể diễn giải” từ bản tuyên bố sau cuộc họp giữa Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Yoshihide Suga. Mỹ muốn thể hiện quyết tâm ứng phó với Trung Quốc trước nguy cơ bị xói mòn niềm tin trong các đồng minh. Trong khi đó, Nhật Bản có những tính toán ngoại giao để tránh khiêu khích người hàng xóm Trung Quốc.

Theo Nikkei Asia, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cấp cao Mỹ- Trung viết: “Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên eo biển Đài Loan; và khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển”.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1969, Đài Loan được lãnh đạo hai cường quốc đề cập đến trong một tuyên bố sau cuộc họp thượng đỉnh. Tuy nhiên, Nikkei cho rằng tuyên bố mới đây nhất chỉ là “một tập hợp nhạt nhẽo của những từ ngữ vô nghĩa” về việc kêu gọi hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.

Mỹ quyết tâm ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc

Chính quyền Biden đang ngày càng tập trung vào phối hợp với đồng minh để bảo vệ dân chủ, tự trị của Đài Loan, theo Nikkei.

Trung Quốc đang tăng cường sức ép đối với Đài Loan bằng việc liên tục đưa máy bay chiến đấu vào không phận của Đài Loan. Điều này giúp Bắc Kinh thay đổi “hiện trạng” bằng vũ lực. Nó sẽ làm mất niềm tin toàn cầu vào Mỹ. Như vậy, Washington bắt buộc phải thể hiện một quyết tâm mạnh mẽ để ngăn chặn các mối đe dọa từ Trung Quốc.

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng thúc đẩy mở rộng quân sự, với các cuộc xâm nhập hàng hải thường xuyên ở Biển Đông.

Washington nhận thấy nếu họ không bảo vệ các quốc gia và khu vực có chung các giá trị dân chủ của mình; thì việc đó sẽ làm lung lay trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo. Cụ thể là Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế nền dân chủ ở Hồng Kông.

Nhật Bản tính toán ngoại giao, tránh khiêu khích Trung Quốc

Theo Nikkei, phía Nhật Bản đã có những tính toán ngoại giao riêng để cân nhắc vấn đề. Họ tránh khiêu khích Trung Quốc; một nước láng giềng có nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với chính họ. Nhật Bản lo xảy ra xung đột quân sự trong khu vực; các nhà đàm phán của họ đã làm dịu bằng cách tuyên bố “khuyến khích giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển.”

Một số người trong chính phủ Nhật Bản thậm chí còn nói rằng không cần thiết phải đề cập đến vấn đề Đài Loan. Do vấn đề này đã được quy định trong một tuyên bố của người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng hai nước sau cuộc họp ở Tokyo.

Ông Kazuhiro Maeshima, giáo sư tại Đại học Sophia, cho rằng: “Tuyên bố tránh dùng ngôn từ cụ thể như ‘bảo vệ Đài Loan’ để tránh khiêu khích Trung Quốc một cách không cần thiết”.

Còn nhà kinh tế thị trường trưởng tại Daiwa Securities, Mari Iwashita cảnh báo về một phản ứng có thể xảy ra từ Trung Quốc có thể làm cạn kiệt các chuỗi cung ứng chính.

“Tùy thuộc vào phản ứng của Trung Quốc, vấn đề hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan; có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản”, ông Iwashita nói.

Tuyên bố chung giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ- Nhật vào Trung Quốc

Theo Nikkei, hiện Trung Quốc chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Nhật Bản.

“Nếu Trung Quốc áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ Nhật Bản; các chuỗi cung ứng phụ thuộc vào nhập khẩu như thiết bị sản xuất chip và phụ tùng ô tô sẽ bị ảnh hưởng. Một số công ty sẽ buộc phải cấu trúc lại mạng lưới chuỗi cung ứng”, ông Iwashit nói .

Tuy nhiên, giáo sư tại Đại học Tokyo, Yasuhiro Matsuda lại có quan điểm khác.

Ông Matsuda nói: “Ngoài tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan được đề cập trong tuyên bố chung; tài liệu cũng khuyến khích ‘giải quyết hòa bình các vấn đề xuyên eo biển’. Điều này như thể ám chỉ rằng Trung Quốc (không phải Đài Loan) đã gây cản trở hòa bình”.

Tài liệu cũng đề cập đến việc giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ – Nhật vào Trung Quốc. Điều đó hứa hẹn hợp tác “trên các chuỗi cung ứng nhạy cảm, bao gồm cả chất bán dẫn, thúc đẩy và bảo vệ các công nghệ quan trọng cần thiết cho an ninh và thịnh vượng của chúng ta”, ông Matsuda cho biết thêm.

Về phần mình, Nhật Bản hứa sẽ “tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia của mình để củng cố hơn nữa liên minh và an ninh khu vực.”