Kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine bùng nổ, Ba Lan luôn đóng vai trò tiên phong trong cuộc chiến chống lại Nga. Có 2 lý do cho sự hăng hái nhiệt tình đó. Việc dựa vào NATO và EU để chống lại Nga có thể đem lại rủi ro rất cao cho Ba Lan.

2 lý do cho sự hăng hái nhiệt tình của Ba Lan

Lý do thứ nhất: Mối đe dọa của Nga đối với Ba Lan:

Kể từ khi cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine bắt đầu, NATO đã liên tục tăng cường sự hiện diện của quân đội và khí tài quân sự ở Ba Lan. Ba Lan trở thành 1 bệ phóng của NATO và các nước phương Tây. Trong mọi trường hợp bị Nga gây hấn, Ba Lan sẽ khó có thể tự bảo vệ mình nếu không có sự trợ giúp của NATO. Ba Lan biết thực tế về khả năng quân sự của mình và đó là lý do tại sao nước này đã cho phép NATO mở rộng các hoạt động triển khai quân sự ở Ba Lan.

Ngoài ra, sau khi Nga xâm lược Ukraine, Ba Lan đã nhận ra mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa từ Nga. Họ biết rằng mình có thể sẽ là mục tiêu tiếp theo của Moscow, vì Nga đã để mắt đến Ba Lan từ lâu.

Nguy hiểm hơn nữa, vùng đệm duy nhất giữa Ba Lan và Nga là Belarus giờ cũng không còn nữa vì Belarus đứng về phía Nga. Ba Lan hiểu rằng việc Belarus đứng về phía Nga, thì rủi ro Nga tấn công hoặc xâm lược Ba Lan là điều cực kỳ dễ dàng. 

Bản đồ cho thấy Belarus là vùng đệm giữa Ba Lan (Poland) và Nga (Russia). Ba Lan lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga, sau Ukraine (ảnh: Wikimedia Commons).
Bản đồ cho thấy Belarus là vùng đệm giữa Ba Lan (Poland) và Nga (Russia). Ba Lan lo ngại trở thành mục tiêu tiếp theo của Nga, sau Ukraine (ảnh: Wikimedia Commons).

Đó là lý do mà Ba Lan trở nên tích cực trong việc biến mình trở thành lực lượng tuyến đầu trong chống Nga của NATO và các nước phương Tây.

Lý do thứ 2: Ba Lan muốn ‘đục nước béo cò

Lý do này chúng ta cần quay về từ lịch sử Ba Lan. Trong quá khứ Ba Lan đã từng có lãnh thổ rộng lớn. Nhưng lại là nước có vị thế địa chính trị vô cùng yếu ớt, cho nên nước này đã từng bị các cường quốc khác sâu xé và chia cắt rồi lại sáp nhập nhiều lần. Sau thế chiến thứ 2,  Liên Xô lấy phần đất phía đông của Ba Lan để cắt cho Ukraine, Litva và Belarus.

Màu tím nhạt là diện tích đất của Ba Lan bị mất vào năm 1939. Phần màu hồng và tím đậm là diện tích Ba Lan từ năm 1946 đến nay (ảnh: Quora).
Màu tím nhạt là diện tích đất của Ba Lan bị mất vào năm 1939. Phần màu hồng và tím đậm là diện tích Ba Lan từ năm 1946 đến nay (ảnh: Quora).

Thay vào đó, Ba Lan được trao cho tiếp quản khu vực của Nhà nước Tự do Danzig và các khu vực của Đức ở phía đông sông Oder và Neisse. Trải qua những lần cắt gọt lãnh thổ, diện tích của Ba Lan đã bị thu nhỏ lại. Lãnh thổ Ba Lan năm 1919–1939 có diện tích 386.418 km vuông. Nhưng từ năm 1947, lãnh thổ của Ba Lan bị giảm xuống còn 312.679 km vuông, tức là quốc gia này mất đi 73.739 km vuông đất. 

Vì lý do đó, Ba Lan muốn cuộc chiến Nga- Ukraine càng kéo dài thì càng tốt, Nga sẽ sa lầy vào Ukraine, từ đó Ba Lan sẽ lấy lại vùng đất mà mình đã bị mất. Đây cũng là lời kêu gọi của Cựu chỉ huy Lực lượng trên bộ của Quân đội Ba Lan, Tướng Waldemar Skrzypczak, ông ấy nói rằng Kaliningrad đã bị Nga chiếm đóng từ năm 1945. Ông nói rằng nó ban đầu là một phần của Phổ và Ba Lan, vì vậy Ba Lan có quyền hợp pháp để yêu cầu trả lại nó. Nếu Nga kiên quyết không để mất vùng Kaliningrad, thì Nga sẽ phải đối đầu trực tiếp với NATO, vì Ba Lan thuộc thuộc NATO, theo điều 5 của nguyên tắc NATO, thì NATO sẽ bảo vệ Ba Lan trước Nga.

Mặt khác, nếu Ukraine chiến thắng Nga, thì Ba Lan cũng thể hiện rõ vai trò của mình trong cuộc chiến, từ đó thúc đẩy Ukraine trao trả lại vùng đất của mình. Khi mà Ukraine ở trong tình thế kiệt quệ, lại mang ơn Ba Lan, thì việc đó tất nhiên không thể từ chối. 

Nói cách khác, Ba Lan muốn đục nước để bắt cá. Với việc cả 2 phe đều suy yếu, thì đều có lợi cho Ba Lan. 

Tuy nhiên, liệu tính toán của Ba Lan có thành công không? Liệu EU, NATO có bảo vệ Ba Lan? Đó lại là một vấn đề.

EU, NATO không thể là chỗ dựa cho Ba Lan

Ba Lan là một thành viên NATO và EU. Trong cuộc chiến Nga- Ukraine, Ba Lan là nước đầu tiên cung cấp hỗ trợ nhanh chóng cho Ukraine. Họ cung cấp các máy bay phản lực chiến đấu cũng như các trại tị nạn cho người Ukraine. Nước này thậm chí còn yêu cầu Mỹ cung cấp máy bay chiến đấu MiG-29 cho Ukraine để giúp tăng cường khả năng phòng không của nước này. Thông qua Ba Lan, vũ khí chống tăng và các loại đạn dược khác đã được viện trợ vào Ukraine. Điều này có thể khiến Tổng thống Nga Putin bực mình. Do đó, một cuộc tấn công vào Ba Lan dường như đã có được một lý do. 

Mặt khác, Putin từ lâu đã chủ trương yêu cầu NATO chấm dứt các hoạt động quân sự ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và các quốc gia vệ tinh. Belarus đã đứng về phía Nga, do đó, Ba Lan có thể sẽ trở thành lựa chọn tiếp theo của Putin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào ngày 8/5/2015 (ảnh: Điện Kremlin).
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vào ngày 8/5/2015 (ảnh: Điện Kremlin).

Liệu cuộc tấn công của Nga vào sự toàn vẹn lãnh thổ của Ba Lan sẽ khiến NATO phản ứng mạnh tay không? NATO sẽ viện dẫn “Điều 5” thuộc nguyên tắc của NATO để bảo vệ tự do và an ninh của tất cả các thành viên thông qua các biện pháp chính trị và quân sự không? Về lý thuyết, thì là như vậy. Nhưng NATO dường như đang bối rối.

Uy tín của NATO đã bị thổi bay bởi cuộc xung đột Ukraine. NATO đã bỏ rơi Ukraine bằng những lời hứa hão huyền. Hãy nhìn vào động thái của NATO ở Ukraine để thấy rằng, mọi hành động của NATO trở nên hời hợt và rụt rè, cho nên tổ chức này ít có khả năng duy trì các tiêu chí của riêng mình để bảo vệ thành viên.

Hơn nữa, điều quan trọng là phải thừa nhận rằng mối quan hệ kinh tế của châu Âu với Nga đã thay đổi kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, bây giờ NATO còn phải lo ứng phó với mối đe dọa đang gia tăng nhanh chóng về việc làm sao để đồng minh lựa chọn đứng về phía mình mà chống Nga trong khi phụ thuộc vào Nga ngày càng nhiều. Nói cách khác, chính là làm cách nào để ràng buộc đồng minh của mình chặt chẽ hơn thay vì họ sẵn sàng chia rẽ vì lợi ích không thể từ bỏ với Nga.

Sự thật đã chứng minh, bất chấp các lệnh trừng phạt rộng rãi của phương Tây đối với Nga sau cuộc chiến với Ukraine, châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc và mua nhiều hơn khí đốt của Moscow. Như vậy có thể thấy, EU cũng không thể đứng cùng Ba Lan để chống lại Nga và EU cũng khó lòng lựa chọn giữa tiêu chí của NATO là chống Nga hay tiếp tục hợp tác với Nga. Hoặc nếu có, thì cũng chỉ như Ukraine hiện tại. Tức là, chỉ bằng lời nhưng thiếu đi hành động thực tế. 

Mặt khác, xung đột gần đây giữa Ukraine và Nga, người dân và chính phủ Ba Lan đang đối đầu với sự kém hiệu quả của các liên minh như EU và NATO trong việc thực hiện bất kỳ hành động nào chống lại cuộc chiến của Nga vào Ukraine.

Cho nên mọi động thái của Ba Lan hiện nay nhằm leo thang cho cuộc chiến ở Ukraine, có thể khiến Ba Lan phải trả giá đắt.

Giá đắt không phải  là vì chống lại việc bị xâm phạm chủ quyền. Mà là sự liều lĩnh khi biến quốc gia mình trở thành bệ phóng cho NATO chống Nga. Trong khi, chỗ dựa của Ba Lan là EU và NATO, nhưng chính nó lại là một cái cột đã bị mục. Và bản thân quan hệ giữa Ba Lan và EU đã bắt đầu có những rạn nứt.  

Tranh chấp về pháp lý khiến EU-Ba Lan rạn nứt

​​Vào năm 2021, một tòa án Ba Lan đã đưa ra một thách thức lớn đối với khung pháp lý của EU: Ba Lan từ chối thẳng thừng việc luật pháp EU sẽ áp dụng đối với luật pháp quốc gia của Ba Lan trong một số vấn đề. Nhiều người đã mô tả đây là một động thái có thể dẫn đến việc hợp pháp hoá rút khỏi EU. Vì nó đặt ra các vấn đề sâu sắc trong hợp tác giữa các tòa án Ba Lan và châu Âu.

Cũng trong năm ngoái, Tòa án Hiến pháp của Ba Lan đã phán quyết rằng một số điều khoản trong các hiệp ước của Liên minh châu Âu không tương thích với Luật Ba Lan. Về cơ bản là tuyên bố rằng luật của EU không nên được đặt lên trên bất kỳ luật quốc gia nào của Ba Lan.

Thách thức pháp lý này đối với khối châu Âu do chính thủ tướng Ba Lan đưa ra vào tháng 3 năm ngoái. Đây là một tình huống có một không hai, vì đây là lần đầu tiên kể từ khi EU thành lập, một nhà lãnh đạo của một quốc gia thành viên đã công khai chất vấn các hiệp ước của liên minh tại một tòa án hiến pháp. Phán quyết cũng nói rằng các Thẩm phán Ba Lan không nên sử dụng bất kỳ luật nào của EU để chất vấn các đồng nghiệp của họ.

 Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tranh luận về tương lai của châu Âu với Phó Chủ tịch Ủy ban EU Valdis Dombrovskis ngày 4/7/2018 (ảnh: Nghị viện châu Âu).
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki tranh luận về tương lai của châu Âu với Phó Chủ tịch Ủy ban EU Valdis Dombrovskis ngày 4/7/2018 (ảnh: Nghị viện châu Âu).

Như vậy, EU cũng sẽ đứng ngoài cuộc chiến nếu Nga tấn công Ba Lan. Vậy chẳng phải Ba Lan đang đi một nước cờ rất mạo hiểm khi tiên phong trong phong trào chống Nga của NATO và phương Tây hay sao. Vì với Ba Lan, vị trí địa lý của nước này là một thiệt thòi lớn để giúp họ có thể phòng thủ trước cuộc tấn công từ bên ngoài. Trong thế chiến thứ 2, Ba Lan đã bị tấn công từ 2 phía cả Đức và Liên Xô. Do đó, Ba Lan cần phải lựa chọn một nước cờ an toàn. 

Ba Lan bây giờ sẽ phải suy nghĩ về hành động cân bằng. Họ sẽ cần phải cân bằng giữa Nga và NATO. Họ muốn có sự hiện diện của NATO nhưng cũng không muốn chọc giận Nga. Nói cách khác, Ba Lan hoặc sẽ hoàn toàn trung lập trong khu vực hoặc sẽ hoàn toàn trở thành một con chim bồ câu của Nga trong thời gian tới. Nếu Ba Lan trở nên trung lập trong khu vực, điều đó có nghĩa là họ đang cân bằng giữa NATO và Nga. Nếu nó trở thành một con chim bồ câu của Nga, chắc chắn sẽ đẩy Ba Lan ra xa khỏi phương Tây, EU và NATO. Tiến gần hơn với Nga cũng có thể dẫn đến việc Ba Lan rời EU và thậm chí là NATO.

Đối với Ba Lan, có khá nhiều thay đổi trong những ngày tới. Ba Lan sẽ phải điều chỉnh lại các chính sách dài hạn của mình để giữ cân bằng giữa phương Tây và Nga. Hoặc là sẽ phải thiết lập mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga hoặc nếu không sẽ phải đối mặt với sự hung hăng của Nga trong tương lai. Chính phủ Ba Lan sẽ phải suy nghĩ kỹ lưỡng hơn về sự hiện diện của NATO trên đất nước của mình.