Một nhà khoa học chính trị cho biết Trung Quốc tạm thời lui về vị trí là người quan sát hồi hộp, phấp phởi bên lề cuộc khủng hoảng Ukraine.
Bắc Kinh có thể cách Kyiv, thủ đô Ukraine 6.500 km, nhưng Trung Quốc có lợi ích địa chính trị rất to lớn trong cuộc khủng hoảng leo thang về số phận của Ukraine, theo ông Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), một giáo sư Trung Quốc về quản trị nhà nước.
Lợi ích địa chính trị của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine
“Nếu Nga xâm lược Ukraine và dẫn đến một cuộc xung đột kéo dài với Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây (mặc dù một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp khó xảy ra), Trung Quốc sẽ có lợi”, theo ông Bùi.
“Mỹ sẽ cần phải chuyển hướng các nguồn lực chiến lược để đối đầu với Nga, và các đồng minh châu Âu của họ sẽ càng không muốn nghe theo lời kêu gọi của Mỹ tham gia liên minh chống Trung Quốc của Mỹ.”
Nhưng nếu Tổng thống Mỹ Joe Biden xoa dịu cuộc khủng hoảng bằng cách tuân theo một số yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Trung Quốc có thể sẽ trở nên bất lợi hơn về mặt chiến lược. Khi đó, Trung Quốc sẽ trở thành trọng tâm duy nhất trong chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ, theo giáo sư Bùi.
“Điều thú vị là, dù Trung Quốc có lợi ích lớn trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chính phủ Trung Quốc vẫn cực kỳ thận trọng trong việc thể hiện sự nhúng tay của mình”, giáo sư Bùi nhận định.
Lý do Trung Quốc “im hơi lặng tiếng” trong cuộc khủng hoảng Ukraine
“Sự dè dặt của Trung Quốc đối với Ukraine cho thấy ông Tập đang cẩn thận phòng ngừa các khoản cá cược của mình”, theo giáo sư Bùi.
“Chắc chắn, chính sách ngoại giao hiếu chiến của ông Putin đang tạo ra lợi ích cho Trung Quốc, ít nhất là vào lúc này. Nếu ông Putin quyết định xâm lược Ukraine và chuyển hướng trọng tâm chiến lược của Mỹ khỏi Trung Quốc, thì càng tốt”
Tuy nhiên, ông Tập không biết ý định thực sự của Điện Kremlin đối với Ukraine; vì vậy ông ta cần thận trọng không để lộ quân bài của mình.
Giáo sư Bùi viết: “Trong tính toán chiến lược của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, điều quan trọng là ngăn chặn việc Mỹ tuyển dụng EU vào liên minh chống Trung Quốc của mình.”
Nền độc lập và an ninh của Ukraine là rất quan trọng đối với EU; nếu Trung Quốc viện trợ và tiếp tay cho ông Putin, thì điều đó sẽ gây ra phản ứng dữ dội ở châu Âu. EU có thể khiến Trung Quốc phải trả giá bằng việc hạn chế chuyển giao công nghệ và bày tỏ sự ủng hộ ngoại giao nhiều hơn đối với Đài Loan.
Đặc biệt, các thành viên Đông Âu của EU (vốn có ít quan hệ thương mại hơn với Trung Quốc nhưng bị đe dọa nhiều nhất bởi lập trường hiếu chiến của Nga) đang ở vị thế mạnh mẽ hơn nhiều so với các nước thành viên lớn trong việc dùng Đài Loan làm đòn trả đũa đối với Trung Quốc.
Vì vậy, Trung Quốc tạm thời giữ mình ở vị trí người quan sát, theo dõi một cách “lo lắng và hy vọng” bên lề khi cuộc khủng hoảng Ukraine diễn ra, theo giáo sư Bùi Mẫn Hân.
Ông Bùi là Giáo sư về quản trị chính phủ tại Trường Cao đẳng Claremont McKenna, và là một thành viên cao cấp không thường trú tại Quỹ Marshall của Hoa Kỳ.