Theo Nikkei, Việt Nam hiện là nước dẫn đầu trong việc khôi phục trở lại chuỗi cung ứng tại Đông Nam Á. Nhưng một số công ty vẫn quyết định di dời sản xuất ra bên ngoài Việt Nam sau khi trải qua những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt trong đại dịch Covid-19.

Các biện pháp giãn cách nhằm phòng tránh dịch Covid-19 đã khiến các chuỗi cung ứng trong khu vực bị gián đoạn. Nhiều nhà máy buộc phải ngừng hoạt động hoặc cắt giảm sản xuất trong nhiều tháng.

Việt Nam phục hồi chuỗi cung ứng sau nhiều tháng giãn cách

Nikkei viết: “Việt Nam nói riêng đang nhanh chóng trở lại bình thường khi Hà Nội cuối cùng đã nới lỏng các hạn chế. Khoảng 200 nhà máy trong nước ký hợp đồng sản xuất quần áo thể thao cho Nike đã hoạt động trở lại, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương.”

Công ty Furukawa Electric của Nhật Bản dự kiến ​​sẽ hoạt động trở lại hết công suất tại các nhà máy ở Việt Nam. Ba nhà máy của công ty tại Việt Nam sản xuất dây nịt cho ô tô; riêng cơ sở tại TP.HCM đã có khoảng 8.000 công nhân.

Các biện pháp hạn chế dịch bệnh đã gây tổn hại đặc biệt đến ngành công nghiệp ô tô của Đông Nam Á, theo Nikkei. Việt Nam tập trung nhiều nhà máy sản xuất dây nịt, trong khi Malaysia là trung tâm sản xuất chất bán dẫn cho ô tô.

Cả hai bộ phận đều bị thiếu hụt nguồn cung. Đó lý do chính khiến Toyota Motor và bảy nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác buộc phải cắt giảm một nửa sản lượng trong tháng 9 so với một năm trước đó.

Việt Nam là nguồn cung cấp khoảng 40% dây nịt cho Nhật Bản vào năm ngoái. Các nhà sản xuất Yazaki và Sumitomo Electric Industries cũng đang khôi phục hoạt động tại các nhà máy của họ ở Việt Nam. Xu hướng này được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất trong lĩnh vực ô tô của Nhật Bản.

Một số công ty di dời chuỗi cung ứng ra bên ngoài Việt Nam

Theo Nikkei: “Một tác dụng phụ của đại dịch Covid-19 ở Đông Nam Á là các nhà sản xuất đang chuyển sang phân cấp sản xuất và giảm thiểu rủi ro.”

Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thực hiện một cuộc khảo sát giữa các thành viên vào cuối tháng 8. Kết quả cho thấy khoảng 1/5 số công ty được hỏi cho biết họ đã chuyển một phần công suất sản xuất ra bên ngoài Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam đã gỡ bỏ các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, chấp nhận “sống chung với dịch”; nhưng một số doanh nghiệp nước ngoài vẫn lo ngại về khả năng xảy ra các tình huống tương tự.

Niike cho biết: “Nhiều công ty có thể coi việc di chuyển năng lực sang các nước giáp biên giới với Việt Nam như một phương cách phòng ngừa khi đại dịch tiếp theo xảy ra.”

Một ví dụ là Pou Chen có trụ sở tại Đài Loan, nhà sản xuất giày dép có thương hiệu lớn nhất thế giới. Vào tháng 7, công ty buộc phải tạm dừng các cơ sở sản xuất tại TP.HCM. Sau giãn cách, công suất hoạt động của công ty này tăng trở lại ở mức trên 70%.

Việt Nam là khu vực sản xuất chính của Pou Chen, nhưng một giám đốc điều hành của công ty này nói với truyền thông Đài Loan rằng Indonesia có thể là nước nhận đầu tư tiếp theo.

Một số công ty khác cũng đồng tình với việc di dời sản xuất sang nước khác để giảm thiểu rủi ro.

“Việc di dời và đa dạng hóa các địa điểm sản xuất dẫn đến tăng chi phí, nhưng việc duy trì chuỗi cung ứng phải được ưu tiên”, một giám đốc điều hành tại một nhà sản xuất linh kiện máy móc của Nhật Bản có cơ sở sản xuất ở miền Nam Việt Nam cho biết.