Sau khi bắn chết 5 công nhân và làm nhiều người bị thương nặng, cảnh sát Bangladesh tiếp tục truy tố hàng nghìn công dân nước này liên quan đến vụ biểu tình ở nhà máy nhiệt điện do Trung Quốc đầu tư.

Trang BenarNews đưa tin, các nhà chức trách Bangladesh hôm 19/4 tuyên bố cảnh sát đã lập hồ sơ khởi tố hàng nghìn công nhân địa phương bị cáo buộc gây rối loạn tại nhà máy nhiệt điện ở Banshkhali, thuộc huyện Chittagong, cách thủ đô Dhaka 292 km về phía đông nam.

Vào hôm 17/4, các công nhân địa phương biểu tình đòi các ông chủ người Trung Quốc phải trả các khoản lương còn nợ; đồng thời yêu cầu nhà máy phải cải thiện điều kiện làm việc.

Theo BenarNews, hơn 3.500 công nhân Bangladesh rất bất bình về tình trạng nợ lương; và phải làm việc trong thời gian lễ Ramadan.

Cảnh sát cáo buộc một số công nhân đã đốt phá, kích động bạo loạn. Lực lượng vũ trang đã bao vây nhà máy, nã súng vào các công nhân, khiến 5 người tử vong và khoảng 100 người bị thương.

Cảnh sát Bangladesh bắn thương vong nhiều người dân nước này vào ngày 17/4/2021. Vụ việc xảy ra khi các công nhân biểu tình đòi lương từ ông chủ Trung Quốc (ảnh: BenarNews).
Cảnh sát Bangladesh bắn thương vong nhiều người dân nước này vào ngày 17/4/2021. Vụ việc xảy ra khi các công nhân biểu tình đòi lương từ ông chủ Trung Quốc (ảnh: BenarNews).

“Cảnh sát đã bắn chúng tôi để cứu các công dân Trung Quốc”, ông Moshiur Rahman, một nhân chức thoát chết khỏi vụ nổ súng cho biết.

Theo BenarNews, cảnh sát địa phương hôm 19/4 cho biết họ đã làm thủ tục khởi tố 2.500 người Bangladesh với tội danh tấn công cảnh sát.

Công nhân chạy trốn vì sợ hãi

Ông Ali Haider Asif, một thành viên của hội đồng công đoàn và là nhân viên bảo vệ cho một nhà thầu Trung Quốc, cho biết ông không nằm trong số những người bị buộc tội.

“Tôi không có mặt ở đó trong suốt vụ việc”, ông Asif nói với BenarNews. “Nhiều người dân địa phương như tôi làm việc hoặc không làm việc ở đó đều bị liên lụy.”

Ông Asif cho biết nhiều công nhân rời khỏi khu vực vào ban đêm vì sợ bị bắt.

Một công nhân Bangladesh có tên Mashiur Rahman cho biết: “Giống như tôi, nhiều người khác đã đi trốn”.

Người thân khóc thương bên thi thể của Mohammad Reza, một trong năm công nhân bị cảnh sát bắn chết tại cuộc biểu tình ở một nhà máy điện do Trung Quốc tài trợ ở Banshkhali, đông nam Bangladesh, ngày 17/4/2021 (ảnh: BenarNews).
Người thân khóc thương bên thi thể của Mohammad Reza, một trong năm công nhân bị cảnh sát bắn chết tại cuộc biểu tình ở một nhà máy điện do Trung Quốc tài trợ ở Banshkhali, đông nam Bangladesh, ngày 17/4/2021 (ảnh: BenarNews).

Bản cáo trạng bao gồm tội xâm nhập trái phép vào bên trong nhà máy điện, mang theo vũ khí, đốt phá các công trình và phương tiện của nhà máy, làm hư hỏng và trộm cắp hàng hóa… Các công nhân bị cáo buộc làm tổn thất khoảng 150 triệu taka (1,76 triệu USD).

Theo thông tin từ S. Alam Group, 70% trong tổng số 2,49 tỷ USD chi phí xây dựng nhà máy là do Trung Quốc tài trợ. Hai công ty Trung Quốc, gồm Tập đoàn Điện lực SEPCOIII và Tập đoàn Phát triển HTG nắm giữ có 30% cổ phần trong dự án.

Các nhà quan sát lo ngại Bangladesh trở thành một trong các nạn nhân dính bẫy nợ của Trung Quốc. Nhà máy nhiệt điện nêu trên dự kiến bắt đầu sản xuất điện từ năm 2023; nhưng khả năng không kịp tiến độ.

Bangladesh đang xây dựng một số nhà máy nhiệt điện khác do Trung Quốc tài trợ. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng công suất điện của Bangladesh đã vượt quá nhu cầu hiện tại.