Ngày 2/9, chính phủ Đức xác nhận thủ lĩnh đối lập Nga Alexei Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các lãnh đạo châu Âu, Mỹ lần lượt lên án vụ việc. Động thái này mở ra khả năng phương Tây, Mỹ sẽ áp đặt các lệnh cấm vận mới chống lại Nga.

Ông Navalny (44 tuổi, sinh ngày 4/6/1976) là người ủng hộ các cải cách, chống tham nhũng ở Nga và thường công khai chỉ trích thẳng thắn Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Navalny đã được đưa tới Đức sau khi uống một tách trà rồi ngã quỵ trên chuyến bay nội địa của Nga hôm 20/8. Hiện ông Navalny được điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện ở thủ đô Berlin (Đức) và vẫn trong tình trạng hôn mê.

5058-alexei-navalny-bi-dau-doc
Ông Alexei Navalny nổi tiếng quốc tế với việc ủng hộ các cải cách, chống tham nhũng ở Nga, cũng như phản đối chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin (ảnh: Wikimedia Commons).

Đức xác nhận ông Navalny bị đầu độc

Theo CNBC, chính phủ Đức ngày 2/9 đã xác nhận nhà bất đồng chính kiến ​​người Nga Alexei Navalny đã bị đầu độc. Các cuộc kiểm tra tại ​​một phòng thí nghiệm quân sự của Đức cho thấy “bằng chứng rõ ràng” rằng ông Navalny đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc dòng Novichok.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đã phát biểu rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng chính phủ Nga đưa ra câu trả lời chính xác cho vụ việc này. Đây là một vấn đề nghiêm trọng mà chính phủ Nga phải có trách nhiệm trả lời. Thế giới đang chờ đợi câu trả lời đó”. Bà cũng cho biết thêm, Berlin “kịch liệt phản đối” việc sử dụng loại chất độc nguy hiểm này. Đức sẽ thảo luận với các đồng minh trong khối NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) để đưa ra các phản ứng chung.

Mỹ lên tiếng, các nước phương tây kêu gọi điều tra

Ngay sau tuyên bố của Đức, Mỹ và hàng loạt quốc gia phương Tây cũng như các liên minh chính trị, quân sự đã lên án vụ việc.

Nhà Trắng lên án vụ đầu độc ông Navalny là “đáng trách” và cho biết Mỹ sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để quy trách nhiệm cho các thủ phạm. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Ullyot cho biết : “Hoa Kỳ vô cùng lo lắng trước kết quả được công bố hôm nay. Việc đầu độc ông Alexei Navalny là rất đáng trách. Trước đây, Nga đã sử dụng chất độc thần kinh hóa học Novichok này”.

Ông Ullyot chia sẻ thêm, Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh và cộng đồng quốc tế để quy trách nhiệm cho những kẻ gây ra vụ việc này, đồng thời sẽ xem xét các biện pháp trừng phạt đối với những hoạt động mờ ám của chúng. Ông cũng nói rằng, người dân Nga có quyền bày tỏ quan điểm một cách hòa bình mà không sợ bị trừng phạt dưới bất kỳ hình thức nào, và chắc chắn không phải bằng cách bị đầu độc.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen chỉ trích đây là vụ đầu độc “hèn hạ và đáng khinh” nhằm vào chính trị gia đối lập Navalny, đồng thời nhấn mạnh những người chịu trách nhiệm trong vụ việc này phải được đưa ra công lý.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, việc sử dụng chất độc thần kinh cấp quân sự càng khiến các nhà chức trách Nga phải tiến hành một cuộc điều tra một cách minh bạch và đầy đủ, đồng thời nhấn mạnh những người liên quan phải chịu trách nhiệm.

Thủ tướng Anh Boris Johnson yêu cầu Nga giải thích chuyện gì đã xảy ra đối với nhân vật lãnh đạo đối lập Nga Alexei Navalny đồng thời khẳng định, London sẽ làm việc với “các đối tác quốc tế để đảm bảo công lý được thực thi”.

Phản ứng của Nga

Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, việc Đức cho rằng ông Navalny bị đầu độc bằng chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok là không có bằng chứng và Berlin đã không hợp tác với Moscow về vụ việc này. Đồng thời, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói: “Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi sẵn sàng và quan tâm đến việc hợp tác đầy đủ cũng như trao đổi thông tin về vấn đề này với Đức”.

Trong tiếng Nga, Novichok nghĩa là “Lính mới”, được đặt tên cho loại chất độc hóa học do Liên Xô chế tạo từ những năm 1970. Năm 2018, chính phủ Anh, Mỹ cho rằng chất độc này đã được dùng để tấn công điệp viên hai mang Nga Sergei Skripal và con gái của ông ở thành phố Salisbury (Anh). Cha con ông Skripal sống sót sau vụ đầu độc và chính phủ Nga cũng nhiều lần phủ nhận mọi cáo buộc liên quan đến vụ tấn công ở Salisbury.