Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025, Bộ Công an công bố tiến độ điều tra hai vụ án gây rúng động dư luận: sản xuất sữa giả nhãn hiệu HIUP và đường dây buôn lậu dầu ăn dành cho chăn nuôi được tuồn vào thị trường tiêu dùng dưới nhãn mác Ofood. Hiện đã có 13 bị can bị khởi tố, trong đó nhiều người giữ vị trí lãnh đạo doanh nghiệp.
- 3 phẩm đức cần tu dưỡng để vượt qua khó khăn
- Quy định mới: Từ 1/7 người dân đi công chứng phải chụp ảnh cùng công chứng viên
- Tên lửa đạn đạo Sejjil siêu nặng Iran lần đầu phóng vào Israel
Nhiều đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả bị triệt phá
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/7, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản – Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an – đã thông tin chi tiết về các vụ án liên quan đến hàng giả, gian lận thương mại và vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đang được cơ quan chức năng điều tra.
Theo ông Toản, thực hiện Công điện số 65 và Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hồi tháng 5/2025, Bộ Công an đã đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ trên toàn quốc, phát hiện và xử lý hàng loạt tổ chức, cá nhân vi phạm.
Trong đợt cao điểm vừa qua, lực lượng công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ án với 297 bị can, xử phạt hành chính 944 vụ liên quan đến 968 đối tượng. Những con số này phản ánh quy mô vi phạm ngày càng lớn, thủ đoạn tinh vi, có tổ chức và tiềm ẩn nguy cơ kéo dài nếu không được ngăn chặn kịp thời.
Khởi tố 10 bị can trong vụ sữa giả HIUP
Liên quan vụ sản xuất và buôn bán sữa giả mang thương hiệu HIUP, Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can về các tội danh “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” và “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”.
Vụ việc đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi sản phẩm sữa giả có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ nhỏ – nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất.
Lật tẩy đường dây dầu ăn giả nhãn Ofood: 3 đối tượng bị bắt
Trong một diễn biến khác, đường dây buôn lậu và sản xuất dầu ăn chăn nuôi giả nhãn hiệu Ofood cũng đã bị triệt phá. Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can, trong đó có nhiều đối tượng là người đại diện pháp luật, điều hành các công ty lớn:
- Đặng Thị Phương – Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu Nhật Minh Food – bị khởi tố về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
- Nguyễn Trọng Năng – điều hành Công ty CP Xuất nhập khẩu Thực phẩm Minh Phú và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại An Dương – bị khởi tố về tội Buôn lậu.
- Đỗ Thị Ngọc Mai – đại diện pháp luật Công ty TNHH TM XNK An Hưng Phước và Công ty TNHH XNK Nông sản Phước Thành – cũng bị khởi tố với tội danh tương tự.
Cảnh báo lỗ hổng pháp lý và yêu cầu siết chặt quản lý
Theo Bộ Công an, cả hai vụ án đang trong quá trình điều tra, với tinh thần “tập trung, khẩn trương nhưng thận trọng, khách quan và đúng bản chất”. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đang tiến hành rà soát, đánh giá những sơ hở, lỗ hổng trong hệ thống pháp luật và công tác quản lý Nhà nước, từ đó kiến nghị điều chỉnh kịp thời nhằm bịt các kẽ hở pháp lý có thể bị lợi dụng.
Thiếu tướng Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: “Khi có kết quả điều tra cụ thể, Bộ Công an sẽ cung cấp thông tin minh bạch tới báo chí và người dân”.
Hai vụ án sữa giả và dầu ăn chăn nuôi giả không chỉ là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức kinh doanh, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc tăng cường giám sát, kiểm tra và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và xuất nhập khẩu.
Theo: Báo Pháp Luật