Các động thái mới đây của Mỹ dường như gửi đi một thông điệp tới Trung Quốc rằng: “Chớ hòng xâm lược Đài Loan, vì tên lửa hạt nhân của Mỹ đang ở rất gần Trung Quốc”.

Đài Loan (hay Trung Hoa Dân Quốc) là hòn đảo độc lập; nhưng bị Bắc Kinh coi là một tỉnh li khai của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Trong nhiều năm qua, Đài Loan luôn đứng trước nguy cơ bị Bắc Kinh xâm lược và thống nhất vào Trung Quốc.

Nguy cơ này càng trở nên rõ ràng hơn trong bối cảnh Nga triển khai quân đội tới biên giới Ukraine. Giới quan sát lo ngại rằng, nếu Nga thật sự xâm lược Ukraine, diễn biến này có thể khuyến khích Trung Quốc có hành động tương tự với Đài Loan.

Nhưng Hoa Kỳ đã có động thái răn đe Trung Quốc “chớ hòng xâm lược Đài Loan”.

Tiết lộ vị trí tàu ngầm hạt nhân là điều hiếm hoi

Ngày 15/1, Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố hiếm hoi trên Twitter về vị trí của một tàu ngâm tên lửa hạt nhân của Mỹ.

Thông báo cho biết, chiếc tàu ngầm USS Nevada đã đến đảo Guam (một hòn đảo thuộc chủ quyền của Mỹ ở tây Thái Bình Dương). Đây là một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Ohio, được cho là mang theo 20 tên lửa đạn đạo Trident.

Theo Nikkei, việc tiết lộ công khai vị trí của tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân là điều cực kỳ hiếm hoi.

Hơn nữa, các tàu SSBN của Mỹ hiếm khi cập cảng bên ngoài lục địa Hoa Kỳ và Hawaii. Vì vậy, việc tàu Nevada cập cảng tại đảo Guam là một điều hiếm có tiếp theo.

Đưa tàu ngầm hạt nhân tới gần Trung Quốc, Mỹ gửi thông điệp tới Bắc Kinh

Các điều “hiếm có” nêu trên không phải ngẫu nhiên. Theo Nikkei, dường như Hoa Kỳ đang gửi “thông điệp cho Trung Quốc rằng chớ có hành động gì ở Eo biển Đài Loan” (một vùng biển nằm giữa Đài Loan và Trung Quốc).

Theo Nikkei, thông điệp này “đồng thời nhắc nhở Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ chưa hề rời mắt khỏi khu vực, dù căng thẳng đang diễn ra ở Ukraine”.

Ông Brent Sadler, sĩ quan vũ khí hạt nhân từng phục vụ trên tàu USS Nevada, đã đưa ra nhận định về động thái đưa chiếc tàu này tới đảo Guam. Ông cho biết việc di chuyển vị trí tàu ngầm là một động thái quan trọng.

Ông Sadler, hiện là nhà nghiên cứu tại Quỹ Di sản, nói: “Bất kỳ sự kiện nào làm thay đổi vị trí hoạt động của tàu ngầm tên lửa hạt nhân – dù là đưa nó đến các khu vực xa xôi hoặc một điều kiện vật chất nào đó – đều là mối quan tâm ở cấp độ quốc gia và thường được thông báo cho tổng thống”.

Các tàu ngầm hạt nhân ở dưới nước có thể nhận lệnh trực tiếp từ Nhà Trắng hoặc Lầu Năm Góc.

“Trung Quốc không thể làm được gì”

Ông Sadler nói: “Nếu bạn đang ở Bắc Kinh và nhìn thấy chiếc tàu ngầm đang ở rất gần, có lẽ bạn sẽ nghĩ ‘ít có thời gian phản ứng hơn’”.

Trợ lý cấp cao tại Trung tâm An ninh Mỹ, Tom Shugart cho biết, thông báo về việc Nevada tới đảo Guam “chắc chắn đã thu hút sự chú ý như một điều gì đó bất thường”.

“Thông điệp chắc chắn được gửi đi, dù là cố ý hay vô ý”, ông Shugart nói.

Ông lưu ý thêm rằng Mỹ có thể “điều động các tàu ngầm hạt nhân tới bên kia Thái Bình Dương mà Trung Quốc không thể làm được gì”.

Mỹ có 8 tàu ngầm hạt nhân đóng tại Căn cứ Hải quân Kitsap ở bang Washington, trong đó có tàu Nevada. Còn 6 tàu ngầm hạt nhân khác ở Căn cứ Kings Bay ở Georgia, bên bờ Đại Tây Dương. Cùng với nhau, 14 chiếc tàu ngầm tạo nên sức mạnh hải quân trong bộ ba hạt nhân của Mỹ (tên lửa đạn đạo xuyên lục đia trên đất liền; máy bay ném bom chiến lược; và tàu ngầm hạt nhân).