Trong 3 tháng đầu năm 2021, có 27 bác sĩ bỏ các bệnh viện công ở Đồng Nai; riêng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai có 15 người. Đây là thực trạng tái diễn qua nhiều năm ở tỉnh vùng Đông Nam Bộ này.

VietNamNet dẫn lời ông Lê Quang Trung, Phó giám đốc Sở y tế Đồng Nai cho biết: Năm 2019, Đồng Nai có 119 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 104 bác sĩ, 22 người có trình độ sau đại học (thạc sĩ, chuyên khoa 1, chuyên khoa 2). Đến năm 2020, cả tỉnh có 91 nhân viên y tế nghỉ việc, trong đó có 80 bác sĩ, 14 người trình độ sau đại học.

Trong số các bác sĩ nghỉ việc, nhiều người là nhân lực trình độ cao, phụ trách phần việc đòi hỏi chuyên môn sâu tại các bệnh viện công. Nhiều trường hợp nghỉ việc khiến ê-kíp thực hiện sẽ khuyết đi vị trí quan trọng không thể vận hành; máy móc thiết bị theo đó cũng không thể hoạt động.

Theo ông Lê Quang Trung, nhân sự giỏi bỏ viện công chủ yếu là vấn đề thu nhập. Đặc biệt với bác sĩ của các chuyên khoa khó, hiếm như gây mê hồi sức, các bệnh viện tư thường mời gọi với thu nhập cao gấp đôi gấp ba.

Còn ông Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho rằng ngoài thu nhập, còn cần môi trường làm việc tốt để giữ chân họ ở lại.

Làn sóng ‘dứt áo’ khỏi viện công

Đồng Nai không phải là tỉnh duy nhất nổi cộm tình trạng nhân tài ‘dứt áo’ khỏi viện công. Một thống kê từ báo Thanh Niên cho hay, từ năm 2015 đến năm 2019, tỉnh Cà Mau có 149 bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công. Riêng 9 tháng năm 2019, có đến 20 bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công. Tại Đà Nẵng, năm 2017, nhiều bác sĩ ồ ạt chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư trong khi viện công quá tải do bệnh nhân ngày càng tăng.

Ngay tại TP. HCM, vào năm 2018, hàng loạt bác sĩ, trong đó có cả lãnh đạo khoa của Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn cũng xin nghỉ việc.

Gần đây, các thống kê về số người nghỉ việc ở bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng khiến dư luận chú ý. Theo ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, có 221 cán bộ y tế, người lao động thôi việc và tinh giản thời gian qua. Trong số này có hơn 113 người do kiện toàn, tinh gọn, 28 bác sĩ chuyển công tác, thôi việc, trong đó có 1 phó giáo sư, 7 tiến sĩ y học, 2 tiến sĩ ngành dược học…