Dưa hấu chỉ được thương lái hỏi mua với giá hơn 1.000 đồng/kg khiến hàng loạt chủ vườn ở Tây Nguyên điêu đứng.

Theo VnExpress, vùng đất Tây Nguyên rộng lớn, màu mỡ, phù hợp cho nghề trồng dưa hấu. Những năm qua, người dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên… ngược lên Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum… thuê đất trồng với diện tích hàng nghìn ha.

Dưa hấu năm nay cho năng suất như người dân mong đợi. Một nông dân ước tính, trồng hai ha, ông đạt sản lượng 2,5 tấn một sào (500 m2). Tuy nhiên, giá dưa xuống quá thấp khiến người trồng dưa lỗ nặng.

Cụ thể, chủ vườn bán cho thương lái với giá 3,6 triệu một sào (khoảng 1.400 đồng một kg), trong khi chi phí đầu tư khoảng 8 triệu đồng mỗi sào. Tính ra, mỗi sào người trồng lỗ 4,4 triệu.

Trên một vườn dưa hấu ở Gia Lai (ảnh chụp màn hình báo Nông Nghiệp).
Trên một vườn dưa hấu ở Gia Lai (ảnh chụp màn hình báo Nông Nghiệp).

Có khu vực ở Tây Nguyên, dưa hấu trồng ra không có người mua, dù giá rẻ như cho. “Gọi điện họ bảo do cửa khẩu sang Trung Quốc đóng cửa nên không thể chở dưa sang bên đó”, một nông dân huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum kể về nỗi khổ khi tìm thương lái.

Theo thống kê, chỉ riêng huyện Krông Pa có khoảng hơn 1.000 ha trồng dưa hấu với sản lượng khoảng 40.000 tấn. Trong khi đường biên với Trung Quốc bị ách tắc, việc tiêu thụ trong nước cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đầu ra của hàng chục nghìn tấn dưa hấu đang cực kỳ nan giải.

Xuất khẩu trái cây thụt lùi

Tình trạng tìm đầu ra cho dưa hấu là bức tranh thu nhỏ cho việc phát triển nông sản ở Việt Nam. Trong đó, các diễn biến không phải lúc nào cũng thuận lợi, mà còn có nhiều điểm kém lạc quan.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, tháng 2, xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ đạt 153 triệu USD, giảm 47,7% so với tháng 1 và gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Trung Quốc giảm mạnh. Trong tháng 1, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm 19% về giá trị và tiếp tục giảm mạnh trong tháng 2.

Luỹ kế 2 tháng, xuất khẩu rau quả Việt Nam đi các thị trường chỉ đạt 445 triệu USD giảm 21,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Các mặt hàng có tỷ trọng giảm mạnh nhất là thanh long, mít và dưa hấu….; với mức giảm đều ở 2 con số.