Tháng 5 năm ngoái, Bắc Kinh đã phát động chiến tranh thương mại với Úc, đóng cửa nhập khẩu nhiều mặt hàng sau khi Úc yêu cầu điều tra độc lập nguồn gốc của đại dịch Covid-19. Kể từ đó, Úc đã nỗ lực để khám phá các thị trường thay thế và đến nay đã đạt được kết quả tốt, Epochtimes đưa tin.

Tuần trước, Cục Thống kê Úc công bố, cả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và xuất khẩu trong quý 1 năm nay của Úc đều tăng.

Ngày 9/6, Thủ tướng Úc Morrison đã có bài phát biểu trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G7, ông nhấn mạnh, những rủi ro ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương bắt nguồn từ sự cạnh tranh chiến lược giữa ĐCSTQ và thế giới tự do. Các đồng minh cần cùng nhau chống lại chế độ độc tài này.

Úc tìm đối tác khác khi bị Bắc Kinh tẩy chay hàng hóa

Không hài lòng với việc Úc hỗ trợ điều tra nguồn gốc dịch bệnh, ĐCSTQ đã áp thuế 80,5% đối với lúa mạch Úc vào tháng 5 năm ngoái. Bắc Kinh khởi động cuộc điều tra chống bán phá giá với rượu vang Úc vào tháng 8. Và vào tháng 10, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty năng lượng và nhà máy thép trong nước ngừng nhập khẩu than từ Úc.. Các mặt hàng bị hạn chế khác bao gồm hải sản, thịt bò, bông và gỗ tròn.

Sau khi đối mặt với hàng loạt biện pháp hạn chế của ĐCSTQ, trong năm qua, doanh số bán lúa mạch của Úc đã phát triển thành công ở các thị trường khác như Ả Rập Xê-út và các khu vực Trung Đông. Tôm hùm và rượu vẫn đang chật vật tìm thị trường mới. Than là mặt hàng có kết quả tốt nhất trong việc phá trừ các biện pháp trả đũa của ĐCSTQ.

Cảng Gladstone ở Queensland, Úc đã không vận chuyển than sang Trung Quốc trong tháng thứ bảy liên tiếp. Tuy nhiên, trong tháng 5 năm nay, lượng than thương mại được cảng này ghi nhận cho thấy doanh số xuất khẩu than sang Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc tiếp tục tăng.

Tẩy chay hàng Úc, Bắc Kinh phải trả giá

Mặt khác, Bắc Kinh đang mở thêm các nguồn mới để thay thế than của Australia bằng cách nhập khẩu than từ Mỹ, Canada, Colombia, Nga và Nam Phi, khiến vận chuyển than phải đi quãng đường xa hơn, từ đó đẩy giá than lên cao.

Tạp chí Australian Financial Review dẫn lời nhà phân tích Rory Simington cho biết người tiêu dùng ở miền nam Trung Quốc gần đây phải mua than của Nga với giá cao hơn gần 50% so với than tương tự của Úc. Và mặc dù than Indonesia đắt hơn than Úc, nhưng giá trị nhiệt của nó lại thấp hơn gần 20% so với than của Úc.

Nhà kinh tế tổng hợp của Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) nói với Epochtimes rằng thay vì mua than của Úc, ĐCSTQ phải mua than từ các nước khác và phải chịu chi phí vận chuyển tăng cao.

Ngô Gia Long nói rằng các quan chức kinh tế và thương mại của ĐCSTQ đã bỏ qua “ván cờ thương mại toàn cầu”, cho rằng tẩy chay hàng nhập khẩu của Úc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho Úc và buộc nước này phải mềm mỏng. Rõ ràng là họ đã tính toán sai.

Hoa Kỳ, Anh và Úc hợp lực để giải quyết bất công thương mại của Trung Quốc

Ông Tô Tử Vân, (Su Ziyun) Giám đốc Chiến lược Quân sự và Công nghiệp của Viện Nghiên cứu Quốc phòng An ninh Đài Loan phân tích, ảnh hưởng của việc ĐCSTQ phát động chiến tranh thương mại với Úc là trái với kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế và trật tự thương mại quốc tế trong quá khứ. Nó thể hiện một xu hướng mới là các nước dân chủ ủng hộ lẫn nhau và tăng cường sức mua từ Úc.

Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss cũng đã viết cho tờ The Australian trước đó rằng Hiệp định Thương mại Tự do Anh-Úc sẽ giúp hai nước phối hợp chống lại sự bắt nạt của Đảng Cộng sản Trung Quốc, và “cùng nhau đứng lên lấy quy tắc làm trụ cột thương mại, chống lại các mối đe dọa gây tổn hại đến các quốc gia khác với các hành vi xấu như trợ cấp không công bằng.”

Anh và Úc dự kiến ​​sẽ đạt được đồng thuận về thỏa thuận thương mại tự do Anh-Úc sau hội nghị thượng đỉnh G7 vào tuần tới.

Với những hành động thường xuyên của ĐCSTQ ở Nam Thái Bình Dương trong những năm gần đây, Tô Tử Vân tin rằng, các chính sách như “Hiệp ước Quốc phòng Mỹ-Úc-New Zealand” hay “hệ thống phòng thủ 5 nước” của Vương quốc Anh, Singapore, Malaysia, Úc và New Zealand tương lai sẽ tập trung vào an ninh quân sự, kinh tế và tăng cường hợp tác.