Một chuyên gia người Đức gốc Hoa đã chỉ ra yếu tố “nhân họa” trong trận động đất tại Tứ Xuyên vào ngày 5/9 vừa qua, khiến hàng trăm người thương vong.

Trận động đất 6,8 độ Richter xảy ra ở huyện Lôi Định, tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 5/9. Tính đến 21 giờ ngày 6/9, ít nhất 74 người thiệt mạng, 26 người mất tích liên lạc, và 259 người bị thương.

Giới quan sát quốc tế cho rằng vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quen với việc ngụy tạo, nên tình hình thực tế về thương vong do động đất tại Lôi Định có thể nghiêm trọng hơn báo cáo chính thức.

Theo Secret China, nhà thủy văn học người Đức gốc Hoa Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), một chuyên gia về bảo tồn nước, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Epoch Times vào ngày 6/9 rằng trận động đất tương tự như trận động đất ở Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên năm 2008 khiến gần 70.000 người chết.

Động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008 (ảnh: Internet).
Động đất tại Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008 (ảnh: Internet).

Tiến sĩ Vương Duy Lạc cho rằng hai vụ này đều giống nhau và đều có liên quan đến các dự án thủy điện quy mô lớn của chính quyền. Đó chính là nhân họa – tức thảm họa do con người tạo ra.

Các đập thủy điện khổng lồ tại Tứ Xuyên

Ông giải thích rằng một nửa diện tích của Tứ Xuyên là cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng, một khu vực có kiến tạo địa chất đang có xu hướng nâng lên. Đây vốn là nơi thường xuyên xảy ra động đất, nhưng tần suất động đất trước đây không quá cao.

Tiến sĩ nhấn mạnh rằng tần suất các trận động đất ở Tứ Xuyên, Vân Nam và Quý Châu đã tăng cao hơn nhiều trong những năm gần đây. Các nhà địa chấn học của nhà nước Trung Quốc luôn giải thích đó là “kết quả của sự dịch chuyển các mảng địa chất”.

Nhưng Tiến sĩ Vương chỉ ra một yếu tố nhân tạo khác, đó là việc triển khai kế hoạch Phát triển Thủy điện Miền Tây. Theo kế hoạch này, giới chức Trung Quốc đã xây dựng những con đập cao hơn nhiều so với Đập Tam Hiệp.

Chính quan chức Trung Quốc cũng từng thừa nhận rủi ro từ các đập nước trên cao. Ông Jiao Yong, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, từng nói trong một báo cáo rằng việc Trung Quốc xây quá nhiều đập cao như vậy tại những khu vực có tỷ lệ động đất cao ở phía tây là quá nguy hiểm đối với Trung Quốc.

TS Vương nhấn mạnh rằng còn có đập Song Giang Khẩu cao nhất thế giới nằm trên vùng động đất. Chiều cao tuyệt đối của đập Tam Hiệp chỉ là 181 mét, nhưng chiều cao tuyệt đối của đập Song Giang Khẩu là 314 mét. Trong số các đập nước cao nhất thế giới, thì có một nửa trong số đó là ở Trung Quốc, đặc biệt là ở Tứ Xuyên và Vân Nam.

Đập Song Giang Khẩu, đập nước cao nhất thế giới, ở Tứ Xuyên, Trung Quốc (ảnh: Wikimedia Commons).
Đập Song Giang Khẩu, đập nước cao nhất thế giới, ở Tứ Xuyên, Trung Quốc (ảnh: Wikimedia Commons).

Do đó, việc xảy ra động đất là điều có thể dự đoán được. Nhưng giới chức Trung Quốc thường bác bỏ yếu tố gây động đất từ các công trình thủy điện mà họ phê đuyệt, kể cả trận động đất kỷ lục ở Vấn Xuyên (Tứ Xuyên) năm 2008. Nhiều chuyên gia tin rằng trận động đất Vấn Xuyên bị kích hoạt bởi Hồ chứa Tử Bình Phố (Zipingpu) ở cạnh Thành Đô (tỉnh lỵ của Tứ Xuyên). Điều này khác với lý giải của các quan chức ĐCSTQ.

Tiến sĩ Vương Duy Lạc cho biết, người dân Tứ Xuyên cũng hiểu rằng nơi đây vốn là khu vực có khả năng xảy ra động đất cao, nên việc xây đập trên đó sẽ tăng thêm rủi ro. Nhưng các quan chức Trung Quốc vốn ưu tiên thực thi các quyết sách chính trị, mà không mấy quan tâm đến thực tế an sinh của người dân.

Động đất từ quan điểm văn hóa truyền thống Trung Quốc

TS Vương Duy Lạc cũng nói về hiểu biết của ông về động đất từ ​​quan điểm của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Ông cho rằng thời cổ đại không có cách nói là “thiên tai”. Vì từ này ám chỉ rằng thảm họa là do trời gây ra, đó lỗi là của trời.

Ông Vương nhấn mạnh rằng, trên thực tế, khi xảy ra thảm họa, thì hoàng đế ở Trung Quốc sẽ xám hối, nhận tội và sửa sai. Hoàng đế tin rằng thảm họa là sự trừng phạt của Thần Phật, mà tính hợp pháp của hoàng đế là do Thần Phật ban cho.

Người xưa Trung Quốc khi nói về động đất, họ sẽ nói rằng đó là một trận long trời lở đất, âm khí quá mạnh, cần phải “cải triều hoán đại” (thay đổi triều đại).

Cảnh báo động đất Tứ Xuyên của giới chức Trung Quốc không bằng loài dơi

Ngoài ra, một phút trước khi xảy ra trận động đất ở Tứ Xuyên vừa qua, một số cư dân mạng đã nhận được “cảnh báo động đất” từ các nhà chức trách Trung Quốc. Nhưng cư dân mạng than thở rằng dự báo được đưa ra quá muộn, không bằng cảnh báo của động vật.

Những đàn dơi dày đặc đã xuất hiện trên bầu trời Mianzhu, Tứ Xuyên vào đêm trước trận động đất (4/9), theo video chia sẻ trên mạng xã hội. Tuy nhiên, cơ quan quản lý khẩn cấp địa phương cho rằng việc đàn dơi tụ tập chỉ là một hiện tượng tự nhiên, không phải dấu hiệu cho thấy động đất sắp xảy ra.

Về vấn đề này, TS Vương Duy Lạc nói rằng giới chức Trung Quốc có thể đã dự đoán được trận động đất Tứ Xuyên hôm 5/9. Nhưng, giới chức Trung Quốc lo ngại rằng những thông tin như vậy có thể dẫn đến bất ổn xã hội, từ đó đe dọa khả năng cầm quyền của ĐCSTQ. Vì vậy các quan chức phải chờ phê duyệt từ cấp trên. Khi dự báo đưa ra thì đã quá muộn. Một số cư dân mạng than thở: Dự báo động đất được đưa ra quá muộn thì cũng vô ích.

Trung Quốc có gần 100.000 đập thủy điện trên khắp đất nước. Chúng bị ví như những quả bom nổ chậm treo trên đầu sinh mạng của hàng triệu người. Với cách làm như quan chức Trung Quốc, không có gì đảm bảo những vụ “nhân họa” như trên sẽ không còn xảy ra.

Có thể bạn quan tâm:

Từ Khóa: