Trân trọng giới thiệu 10 sự kiện kinh tế Việt Nam đáng chú ý trong năm 2021 do Muc News bình chọn:

1. GDP thấp kỷ lục trong khi kiều hối tăng vọt

Đầu năm 2021, các tổ chức quốc tế dự báo GDP Việt Nam có thể tăng trưởng 7,5-7,8%. Tuy nhiên, GDP 9 tháng đầu năm chỉ tăng 1,42%, cả năm dự kiến tăng hơn 2%, trong đó lần đầu tiên ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý III, GDP giảm 6,17%).

Việc hoạt động sản xuất bị đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua giảm mạnh vì lệnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề.

GDP tăng trưởng theo quý.

Trong khi đó, kiều hối về Việt Nam năm nay dự kiến đạt hơn 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, theo WB. Còn theo Ngân hàng Nhà nước, kiều bào gửi về nước khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 29 tỷ USD, tăng hơn 0,5 tỷ USD so với năm 2020. Điều này cho thấy nội lực kém nhưng ngoại lực dồn về mạnh .

2. Doanh nghiệp phá sản cao kỷ lục

Bình quân mỗi tháng có khoảng 9.700 doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh hoặc giải thể. Tính đến hết tháng 11 tổng cộng đã có hơn 106.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Chưa khi nào lịch sử ghi nhận số doanh nghiệp khai tử nhiều hơn mới thành lập như vậy.

Ngoài ra, hơn 1,7 triệu người trong độ tuổi lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp trong quý III, tăng 700,3 nghìn người so với quý trước. Tỷ lệ thất nghiệp lên tới 3,98%, cao nhất trong một thập kỷ qua. 12 triệu người bị cắt giờ làm; 18,9 triệu người bị giảm thu nhập.

3. Hàng nghìn xe hàng tắc ở biên giới Trung Quốc

Tinh đến ngày 23/12, khoảng 6.200 xe chở hàng xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường biên giới bị mắc kẹt tại các cửa khẩu (riêng tại cửa khẩu Lạng Sơn là hơn 4.400 xe), con số thiệt hại có thể lên tới 3.000 – 4.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính là từ ngày 25/11, phía Trung Quốc thắt chặt việc quản lý xuất nhập cảnh và thông quan hàng hóa. Nước này tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ dịch tại khu vực cửa khẩu đường bộ đến ngày 15/3/2022, nên việc thông quan hàng hóa sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

4. Giá cả tăng vọt, áp lực lạm phát

Giá xăng RON 95 có thời điểm lên sát 25.000 đồng/lít, mức cao nhất trong bảy năm và chỉ còn cách 80 đồng so với đỉnh lịch sử hồi tháng 7/2013. Giá gas cũng tăng sáu tháng liên tiếp, lên gần 500.000 đồng một bình 12kg, do phụ thuộc vào giá nhiên liệu thế giới.

Giá gạo và vật liệu xây dựng 11 tháng đầu năm lần lượt tăng 6% và 6,8% góp phần làm chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng 1,84%. 

Giá vàng trong nước tăng cao, cách xa so với vàng thế giới do lo ngại dịch bệnh. Giá vàng 9999 chính thức lập đỉnh khi đạt 62 triệu đồng một lượng vào phiên ngày 17/11, cao hơn thế giới hàng chục triệu đồng một lượng.

5. Xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD

11 tháng đầu năm nay tổng kim ngạch xuất nhập khẩu lập đỉnh mới khi đạt 299,67 tỷ USD. Cả năm ước tính đạt khoảng 660 tỷ USD, xuất siêu 2,1 tỷ USD. Tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến tăng còn nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản giảm. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, tiếp đến là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất hàng hoá của Trung Quốc (hơn 99 tỷ USD), sau đó đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan.

6. Chứng khoán liên tục lập đỉnh

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ với VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch vào phiên 25/11. Chỉ số này tăng gần 36% so với cuối năm 2020.

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ (ảnh chụp màn hình báo Công Thương).

Động lực chính là số nhà đầu tư mới tham gia và dòng tiền nhàn rỗi trong dân cư chảy vào mạnh. Riêng trong 11 tháng, thị trường đón hơn 1,3 triệu tài khoản mới của nhà đầu tư trong nước. Thanh khoản thường xuyên đã đạt mức hàng tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng.

7. Sốt đất diện rộng: Đất Thủ Thiêm xác lập 2,4 tỷ đồng một m2

Đất đai sôi sục từ Bắc đến Nam, giá tăng cao chóng mặt, trung bình sau mỗi tháng tăng 10%. Đặc biệt, một lô đất trong phiên đấu giá đất Thủ Thiêm được một công ty liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh trả tới 24.500 tỷ đồng, tức 2,4 tỷ đồng mỗi m2.

8. Thương mại điện tử tăng trưởng

Năm 2021, tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính.

Số lượng danh mục hàng hóa được mua sắm trực tuyến trong năm nay tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam cũng tăng khoảng 40% so với năm 2020.

9. Lần đầu tiên Việt Nam có đường bay thẳng đi Mỹ

Chuyến bay VN98 của Vietnam Airlines sáng 29/11 đã hạ cánh xuống sân bay San Francisco (Mỹ) sau 13 tiếng 45 phút bay không dừng. Sự kiện này đánh dấu thành quả của hai thập niên chinh phục đường bay thẳng Việt – Mỹ và là điểm sáng le lói trong bức tranh ảm đạm của hàng không năm nay. 

Sáu hãng trong nước tính đến hết tháng 11 đã phải giảm 81.000 chuyến bay so với cùng kỳ, khiến tình hình tài chính của các hãng tiếp tục bết bát.

10. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước vận hành thương mại

Ngày 6/11, Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nội ký bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông dài 13km để đưa vào vận hành khai thác, sau 10 năm thi công với nhiều lần lỡ hẹn hoàn thành.

Tàu Cát Linh – Hà Đông sau tuần đầu thực hiện thu phí vận chuyển hơn 110.000 người (ảnh chụp màn hình Báo Giao thông).

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu.

Từ Khóa: