Sáng 25/7 hơn 1,5 triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ tài trợ cho Việt Nam đã về đến sân bay Nội Bài. Trước đó, gần 1,5 triệu liều Moderna đã hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Từ việc viện trợ này của Hoa Kỳ, chúng ta lại nhớ tới sự kiện cách đây tròn 1 tháng, liên quan đến 500.000 liều vắc xin được chính quyền Trung Quốc tuyên bố là “tặng” Việt Nam.

3 triệu liều vắc xin được Mỹ tài trợ đã về đến Việt Nam

Theo Bộ Y tế, trong số hơn 3 triệu liều vắc xin Moderna do Mỹ hỗ trợ thông qua cơ chế COVAX, có 1.499.960 liều Moderna đã được chuyển đến TP. HCM vào ngày 24/7 và 1.500.100 liều Moderna đã đến Hà Nội sáng nay 25/7.

Trong lúc đại dịch đang lan tràn ở Việt Nam, và đặc biệt phức tạp ở TP. HCM, thì sự chia sẻ, giúp đỡ của Mỹ là hết sức đáng trân trọng. Nhiều người Việt đã cảm động khi biết rằng, trong tổng số 23 triệu liều vắc xin Mỹ dành cho 20 quốc gia/vùng lãnh thổ châu Á, thì đến nay riêng Việt Nam đã được nhận tới hơn 5 triệu liều, chia thành 2 đợt. Số vắc xin này được Việt Nam chủ động quyết định tiêm cho các đối tượng.

Vắc-xin Astrazeneca phòng COVID-19
Vắc-xin Astrazeneca phòng COVID-19 (Martin Bureau/AFP qua Getty Images)

Cứu người như cứu hỏa; nước Mỹ còn dự kiến sẽ tiếp tục viện trợ vắc xin Covid-19 cho Việt Nam trong thời gian tới. Đây là một thông tin được báo Tuổi Trẻ dẫn từ ông Hà Kim Ngọc – đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Từ việc viện trợ của Hoa Kỳ, chúng ta lại nhớ tới sự kiện cách đây tròn 1 tháng, liên quan đến những liều vắc xin được chính quyền Trung Quốc tuyên bố là “tặng” Việt Nam.

Sự việc Trung Quốc tuyên bố rầm rộ “gửi tặng lô vắc-xin 500 nghìn liều” cho Việt Nam cách đây 1 tháng

Chuyện là chỉ sau ít ngày sau khi rầm rộ tuyên bố “gửi tặng lô vắc-xin 500 nghìn liều” cho Việt Nam, thì vào ngày 24/6, Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã tố cáo phía Việt Nam “không tham vấn phía Trung Quốc trước khi phân phối vắc-xin” và “không đúng như cam kết giữa 2 nước”. Một ngày sau đó, tức là vào ngày 25/6, phía Việt Nam cho biết đã điều chỉnh đối tượng người tiêm loại vắc xin do Trung Quốc sản xuất này bằng cách ưu tiên tiêm cho những người Trung Quốc đang sống, làm việc tại Việt Nam.

Trao đổi trên trang RFA, bà Đào Thu Huệ, một giáo viên nghiên cứu về Trung Quốc từ Hà Nội nhận xét rằng, chuyện tặng vắc xin thực chất là một trò mưu mẹo của Bắc Kinh:

Bà Huệ nói: “Tôi nhận thấy đây là một trò xảo trá của chính phủ Trung Quốc. Họ muốn tiêm cho công dân của họ tại nước ngoài. Đúng ra họ sẽ phải nhờ Chính phủ Việt Nam hoặc là chính phủ các nước mà họ gửi vắc-xin tới, thậm chí là phải thuê những chính phủ tiếp nhận vắc-xin đó để tiêm cho công dân của Trung Quốc. Nhưng bây giờ họ lại sử dụng ngôn từ rất xảo trá, họ nói họ tặng. Nếu mà theo nguyên tắc tặng thì người nhận sẽ có quyền sử dụng vắc-xin đó theo ý của người ta. Nhưng bây giờ khi mà chính phủ Việt Nam mới chỉ có kế hoạch là định phân bổ vắc-xin cho địa phương này, địa phương kia mà không theo như Trung Quốc muốn, thì lập tức người Trung Quốc quay ra trở mặt”.

Tuyên truyền của truyền thông Trung Quốc khi đó

Cũng trong những ngày cuối tháng 6 đó, mượn sự kiện này thì truyền thông và nhiều người dân Trung Quốc đã rầm rộ chia sẻ trên mạng xã hội rằng, Việt Nam đã “bội ước” cam kết khi nhận vắc xin. Điều này cho thấy, dưới sự tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, nhiều người dân Trung Quốc đã có cái nhìn méo mó về người Việt Nam.

Sự việc này được bà Đào Thu Huệ – một người nhiều năm sống ở Trung Quốc, phân tích: “Cái nhìn chung, quan niệm, nhận thức của họ về người Việt Nam, thứ nhất là họ không biết gì về Việt Nam, thứ hai coi Việt Nam là một phần của Trung Quốc và thứ ba nếu những ai có một chút thông tin thì nói rằng Việt Nam đã từng nhận ơn của Trung Quốc và bây giờ đối xử không tốt với Trung Quốc”.

Bà Huệ còn nói thêm rằng trong cuộc viện trợ mang màu sắc chính trị ấy, Chính phủ Trung Quốc cũng lường trước được thái độ của người dân Việt Nam tẩy chay hàng Trung Quốc. Cho nên họ cũng đặt luôn điều kiện là phải tiêm cho người Trung Quốc tại đây.

Giáo sư Gabriel Moens nhận định Trung Quốc dùng chiến lược ngoại giao vắc xin Sinovac nhằm định hướng dư luận về nguồn gốc Covid-19, (ảnh ghép minh họa).
Giáo sư Gabriel Moens nhận định Trung Quốc dùng chiến lược ngoại giao vắc xin Sinovac nhằm định hướng dư luận về nguồn gốc Covid-19, (ảnh ghép minh họa).

Cũng liên quan đến sự việc tiêm vắc-xin Trung Quốc cho người Trung Quốc, ngày 8/7, báo Tiền Phong đã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. Theo đó, về việc truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng Việt Nam sử dụng 500.000 liều vắc-xin Sinopharm không đúng như cam kết giữa hai nước, bà Hằng cho hay, số vắc-xin này được Việt Nam triển khai sử dụng theo đúng tinh thần của nghị quyết 21 của Chính phủ. Đồng thời, trên cơ sở đề nghị của Trung Quốc, Việt Nam sẽ tiêm chủng cho các công dân Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam.