Sáu người, trong đó có 4 bác sĩ, đã bị kết án tù vì mổ cướp nội tạng từ các bệnh nhân ở đông nam Trung Quốc, theo SCMP ngày 27/11.

Tờ báo này trích dẫn thông tin từ Thepaper.cn, cho biết vụ xét xử diễn ra tại Tòa án Nhân dân Trung Cấp ở thành phố Bạng Phụ, tỉnh An Huy.

Tòa án kết luận băng nhóm này đã thu hoạch nội tạng cưỡng bức 11 bệnh nhân từ năm 2017-2018. Ba trong số các bác sĩ là nhân viên thu hoạch nội tạng tại các bệnh viện của họ.

Bản án được đưa ra vào tháng 7, sau đó một đơn kháng cáo đã bị bác bỏ vào tháng 8. Chi tiết về vụ án mới chỉ được tiết lộ gần đây từ Thạch Tường Lâm (Shi Xianglin), con trai của một trong số các nạn nhân.

Thu hoạch nội tạng trên xe tải ngụy trang thành xe cứu thương

Theo tài liệu của tòa án do Thạch cung cấp, Dương Tố Huân (Yang Suxun), cựu trưởng khoa chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Nhân dân huyện Hoài Viễn, đã xác định các mục tiêu thu hoạch nội tạng; bao gồm các nạn nhân bị tai nạn xe hơi, hoặc bệnh nhận bị tổn thương não nặng.

Sau đó, Dương tiếp cận người nhà bệnh nhân và thuyết phục họ đồng ý hiến tạng; rồi gửi kết quả xét nghiệm cho đồng bọn ở Nam Kinh. Sau khi xác định được một ứng cử viên phù hợp, các bác sĩ đi từ Nam Kinh đến huyện Hoài Viễn để nhờ các gia đình ký vào đơn đồng ý hiến nội tạng.

“Các bệnh nhân tử vong sau đó được phẫu thuật vội vàng trên một chiếc xe tải chuyển hàng được ngụy trang thành xe cứu thương và không có sự hiện diện của nhân viên Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc (RCSC) hay thân nhân của bệnh nhân theo quy định của pháp luật”, SCMP viết.

Phần nổi của tảng băng chìm

Vụ xét xử mà SCMP đưa tin chỉ là một phần nhỏ của tảng băng chìm về hệ thống thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc.

Vào tháng 6/2019, Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal), một tòa án độc lập ở Anh Quốc đã ra phán quyết kết luận chính quyền Trung Quốc là một “chính quyền tội phạm” khi bảo trợ cho hoạt động thu hoạch nội tạng từ những người vô tội.

Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal) xem xét các bằng chứng về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Trong ảnh là một phiên xét xử của Tòa án tại Luân Đôn, Anh Quốc ngày 8/12/2018. Từ trái sang phải: Giáo sư sử học người Mỹ Arthur Waldron, Luật sư người Malaysia Andrew Khoo, Giáo sư phẫu thuật tim mạch Martin Elliott, Ngài Geoffrey Nice QC (Chủ tọa), Doanh nhân Nicholas Vetch, Luật sư nhân quyền người Iran Shadi Sadr, Luật sư người Mỹ Regina Paulose (ảnh: Justin Palmer / Epoch Times / Wikimedia Commons).
Tòa án Xét xử Trung Quốc (China Tribunal) xem xét các bằng chứng về nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc. Trong ảnh là một phiên xét xử của Tòa án tại Luân Đôn, Anh Quốc ngày 8/12/2018. Từ trái sang phải: Giáo sư sử học người Mỹ Arthur Waldron, Luật sư người Malaysia Andrew Khoo, Giáo sư phẫu thuật tim mạch Martin Elliott, Ngài Geoffrey Nice QC (Chủ tọa), Doanh nhân Nicholas Vetch, Luật sư nhân quyền người Iran Shadi Sadr, Luật sư người Mỹ Regina Paulose (ảnh: Justin Palmer / Epoch Times / Wikimedia Commons).

SCMP và hàng loạt hãng tin khác đã đưa tin về Phán quyết này, như The Epoch TimesNTDReutersNewsweekNews.com.auDailymailSky, The Guardian,…

Phán quyết cuối cùng của Tòa án cho biết nạn nhân chủ yếu của nạn mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc là các học viên Pháp Luân Công.

Pháp Luân Công còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp; là môn khí công tu dưỡng cả tâm lẫn thân; hiện có hàng triệu người tập tại hơn 100 quốc gia. Riêng tại Trung Quốc, Pháp Luân Công bị đàn áp liên tục từ năm 1999 đến nay, sau mệnh lệnh của Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân.

Các học viên Pháp Luân Công tập luyện tại Quảng trường Trafalgar ở Luân Đôn, Anh Quốc ngày 10/5/2014 nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 15 (ảnh: Minh Huệ).
Các học viên Pháp Luân Công tập luyện tại Quảng trường Trafalgar ở Luân Đôn, Anh Quốc ngày 10/5/2014 nhân ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới lần thứ 15 (ảnh: Minh Huệ).

Chủ tọa Tòa án Nice QC tuyên bố trong Phán quyết: “Các bác sĩ đã giết hại những người vô tội chỉ vì họ sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn trong trường hợp của các học viên Pháp Luân Công, những người luyện tập các bài tập và thiền định tốt cho sức khỏe; nhưng lại bị nhìn nhận là nguy hiểm đối với lợi ích và mục tiêu của chính quyền toàn trị ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”

SCMP trích lời nghị sĩ Đảng Lao động Anh Quốc Afzal Khan cho rằng “cần phải truy cứu trách nhiệm giải trình về những vi phạm nhân quyền trắng trợn này”.