Nhiều bệnh viện công đang thiếu thuốc, vật tư y tế dẫn đến tình trạng bệnh nhân chật vật chạy thuốc từng ngày.

Hôm 29/6, tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) thông tin, qua thống kê 28/34 Sở Y tế và 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương và đơn vị.

Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm: một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết…

Bên cạnh đó, theo Bộ Y tế, hiện có 26/34 Sở Y tế và 15/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.

Đồng thời có 14/34 Sở Y tế và 8/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu.

Thực tế, thời gian qua tại các bệnh viện công trên toàn quốc xảy ra tình trạng thiếu vật tư y tế, thuốc men, sinh phẩm, thiết bị y tế. Nhiều bệnh nhân vào bệnh viện khám bệnh nhưng phải ra bên ngoài mua thuốc với giá đắt đỏ, và không đảm bảo chất lượng. 

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Trong bài viết “Lao đao vì thiếu thuốc, vật tư y tế: Trăm dâu đổ đầu… người bệnh” của báo Người Lao Động phần nào thể hiện được những khó khăn của bệnh nhân khi phải chạy vạy đi tìm thuốc vì khan hiếm.

Chị T.H (ngụ phường Tăng Nhơn Phú B, TP. Thủ Đức) nhân vật trong bài viết trên chia sẻ, người nhà chị đăng ký chữa bệnh BHYT ban đầu tại Bệnh viện TP Thủ Đức và có điều trị ung thư tại đây.

Chị H. cho biết người nhà chị bị hạch chèn, bít đường thở, do đó phải tiến hành hóa trị đợt 1 với đơn 5 loại thuốc. Tuy nhiên, Bệnh viện TP Thủ Đức chỉ có 1 loại. Số thuốc còn lại, người nhà chị H. phải tự tìm mua ở các nhà thuốc tư nhân khu vực Bệnh viện Ung Bướu TP HCM.

Hay trường hợp anh Nguyễn Tuấn Tú, (Thanh Xuân, Hà Nội) đăng trên báo VOV, vào cuối tháng 5, anh đưa người nhà vào cấp cứu tại một bệnh viện ở Hà Nội, nhưng thuốc để tiêm tại chỗ và thuốc uống tại nhà không thể mua tại nhà thuốc bệnh viện, mà phải tự mua toàn bộ bên ngoài.

“Theo đơn, thì đây là các loại thuốc chữa tiền đình, chống nôn, không hiếm, nhưng rất khó tìm, tôi phải chạy đi mua ở nhiều nhà thuốc khác nhau mới đủ đơn theo bác sĩ yêu cầu”, anh Tú cho biết.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay, nguyên nhân chủ quan là do việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực… Bên cạnh đó, một số cán bộ, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, không dám làm…

Từ Khóa: