Giữa thời bão giá và chi phí sinh hoạt leo thang, ước mơ sở hữu một mái nhà – dù chỉ là căn hộ nhỏ trong các dự án nhà ở xã hội – đang trở thành bài toán không dễ với hàng triệu người trẻ. “Thu nhập bao nhiêu mới đủ mua?” là câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến không ít gia đình lao động trăn trở, thậm chí mỏi mòn hy vọng.
- Khởi nghiệp tinh gọn hậu đại dịch: Làm chủ dễ dàng, sống sót bền vững
- Đề xuất xây lại khu tập thể Kim Liên với tòa nhà cao tối đa 45 tầng
- Tìm về miền Tiên cảnh, nơi Hạnh phúc hồi sinh
Tóm tắt nội dung
Nhà ở xã hội – liệu còn “xã hội”?
Theo khảo sát từ một số sàn bất động sản lớn năm 2025, giá nhà ở xã hội hiện nay dao động từ 16 đến 21 triệu đồng/m², tùy khu vực. Với căn hộ diện tích phổ biến 50–60m², tổng giá bán rơi vào khoảng 850 triệu đến 1,2 tỷ đồng.
Tại Hải Dương, một dự án nhà ở xã hội nằm tại khu đô thị mới phía nam TP Hải Dương (phân khu 2), đã được Sở Xây dựng thông báo kết quả thẩm định giá bán với giá là 11.875.000 đồng/m2. Mức giá này dù rẻ hơn thị trường thương mại, nhưng vẫn là gánh nặng với người trẻ có thu nhập trung bình.

Thu nhập bao nhiêu thì mới đủ? – một bài toán thực tế
Giả sử một người lao động trẻ thu nhập 10 triệu đồng/tháng, tiết kiệm được khoảng 30% (tức 3 triệu đồng/tháng). Với căn hộ giá 900 triệu đồng, cần trả trước 30% (270 triệu đồng), còn lại vay ngân hàng 630 triệu đồng.
Với gói vay ưu đãi dành cho nhà ở xã hội khoảng 4,8%/năm trong 15 năm; người mua phải trả góp trung bình 5–5,5 triệu đồng/tháng. Như vậy, ngay cả khi tiết kiệm tối đa; họ vẫn thiếu khoảng 2 triệu đồng/tháng để trả nợ, chưa kể chi phí sinh hoạt, nuôi con, y tế…
Từ đó có thể thấy: để mua được một cách bền vững; người mua cần thu nhập khoảng 14–16 triệu đồng/tháng, với khả năng tiết kiệm ổn định 40–50%.
Người trẻ Hải Dương – lối đi nào cho giấc mơ an cư?
Chị Nguyễn Thị Hương, 29 tuổi, nhân viên kế toán tại Hải Dương, chia sẻ: “Mình tiết kiệm gần 3 năm mới đủ 300 triệu đồng đặt cọc mua căn hộ nhà ở xã hội 55m² ở vùng ven. Dù mỗi tháng trả góp gần 6 triệu; nhưng ít nhất còn có mái nhà riêng, không còn lo cảnh trọ dột.”
Tuy nhiên, không phải ai cũng có cơ hội như chị. Thực tế, nhiều cặp vợ chồng công nhân vẫn đang phải loay hoay với chuyện trọ; chuyện con nhỏ và chi phí hàng tháng.
“Tôi có một người em làm công nhân, thu nhập chỉ khoảng 7–8 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng, một đứa con nhỏ, ở trọ tạm bợ. Mỗi tháng tiền sữa, tiền thuê nhà, điện nước… đã hết sạch, có tháng còn phải vay. Nói tới nhà ở xã hội mà thấy xa vời quá…” – một người chia sẻ.
Những câu chuyện như vậy phản ánh rõ thực tế: dù được gọi là nhà ở xã hội – dành cho người thu nhập thấp – nhưng mức giá hiện nay vẫn vượt xa khả năng chi trả của số đông lao động phổ thông.

Rào cản vẫn còn
Dù nhà ở xã hội nhận được nhiều chủ trương khuyến khích, thực tế vẫn còn một số vướng mắc:
- Nguồn cung hạn chế, đặc biệt tại các khu công nghiệp; vùng ven đô như Cẩm Giàng, Thanh Hà (Hải Dương).
- Thủ tục xét duyệt mua vẫn khá rườm rà; yêu cầu nhiều loại giấy tờ chứng minh điều kiện.
- Chính sách vay ưu đãi còn giới hạn số người tiếp cận; một số ngân hàng thương mại chưa chủ động cho vay đúng chuẩn.
Làm gì để nhà ở xã hội không còn xa tầm với?
Để người trẻ và lao động có cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội đúng nghĩa, cần:
- Đẩy nhanh xây dựng các dự án tại khu vực có nhu cầu cao như các huyện ven TP. Hải Dương.
- Cho phép kéo dài thời gian vay mua nhà lên 20–25 năm, giảm áp lực tài chính hàng tháng.
- Thiết lập mô hình “gửi góp mua nhà” – người dân có thể tiết kiệm định kỳ và tích điểm mua ưu tiên sau 3–5 năm.
- Tăng minh bạch thông tin về các dự án và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi.
Một mái nhà không cần lớn, chỉ cần đủ ấm. Nhưng với người trẻ hôm nay; để chạm tay vào căn hộ ấy – vốn được xây dựng vì họ – lại là hành trình đầy thử thách.
Câu hỏi “thu nhập bao nhiêu mới đủ mua?” không chỉ là phép toán cá nhân. Đó còn là lời nhắn gửi tới các nhà hoạch định chính sách: làm sao để nhà ở xã hội thật sự trở thành nơi khởi đầu cho an cư – lạc nghiệp.