Một vụ lừa đảo tinh vi giả danh công an, uy hiếp tinh thần nữ sinh viên bằng thủ đoạn “bắt cóc online”, đã được Công an phường Ô Chợ Dừa (Hà Nội) nhanh chóng phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Video call “bị bắt cóc”, yêu cầu chuyển 370 triệu đồng

Sáng 21/7, Công an phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa, Hà Nội) tiếp nhận tin báo khẩn cấp từ ông L.H.T về việc cháu họ là cháu M. (sinh năm 2006, hiện là sinh viên đại học) có dấu hiệu bị bắt cóc và tống tiền qua mạng.

Khoảng 10h sáng cùng ngày, mẹ cháu M ở quê bất ngờ nhận được một cuộc gọi video qua Zalo do chính cháu M thực hiện. Trong cuộc gọi, M hoảng loạn cho biết mình đang bị bắt cóc, đồng thời cho thấy những vết thương giả trên cơ thể và yêu cầu gia đình lập tức chuyển 370 triệu đồng nếu không muốn bị “chặt ngón tay”.

Nhận định đây là vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu lừa đảo công nghệ cao, Công an phường Ô Chợ Dừa đã lập tức huy động lực lượng, khẩn trương truy tìm tung tích của cháu M.

Giải cứu trong vòng một giờ

Chỉ sau khoảng một giờ đồng hồ tiếp nhận tin báo, Công an phường Ô Chợ Dừa đã phát hiện cháu M đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành. Ngay lập tức, lực lượng chức năng đưa cháu về trụ sở để làm rõ vụ việc.
Tại cơ quan công an, M khai nhận đã nhận được một cuộc gọi từ nhóm người lạ tự xưng là công an. Nhóm này cho biết cô đang liên quan đến một vụ án rửa tiền và buôn bán chất cấm, yêu cầu chuyển tiền vào một tài khoản để “phục vụ điều tra”.

Khi M nói không có tiền, chúng liền dụ dỗ cô đến nơi kín đáo, tự vẽ những vết thương giả lên mặt và người, rồi gọi video về cho gia đình để dàn dựng kịch bản bị bắt cóc, ép gia đình chuyển tiền.
Do quá hoảng sợ và tin rằng mình thực sự bị điều tra, M đã làm theo mọi hướng dẫn của nhóm lừa đảo. Sau khi được công an giải thích rõ thủ đoạn giả danh để chiếm đoạt tài sản, cháu M mới dần lấy lại bình tĩnh.

Thủ đoạn tinh vi nhắm vào sinh viên

Theo Công an TP Hà Nội, hình thức lừa đảo “bắt cóc online” đang có xu hướng gia tăng, nhắm vào học sinh – sinh viên hoặc người nhẹ dạ cả tin. Kẻ gian thường giả danh công an, viện kiểm sát hoặc ngân hàng, rồi tạo sức ép tâm lý để ép nạn nhân chuyển tiền, hoặc tự tạo tình huống nguy cấp để lừa tiền người thân.

Đáng lo ngại, các thủ đoạn này ngày càng tinh vi và khó phát hiện. Trong nhiều trường hợp, nạn nhân không hề bị khống chế thực tế, mà tự trở thành “diễn viên” trong một vở kịch do chính mình thực hiện theo lệnh của tội phạm mạng.

Cảnh báo và hướng dẫn từ cơ quan chức năng

Công an khuyến cáo: Tuyệt đối không có chuyện công an gọi điện yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hay cài đặt phần mềm điều tra. Khi cần làm việc, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy mời hoặc giấy triệu tập qua đường chính thức, có xác nhận của địa phương.

Người dân khi nhận được các cuộc gọi lạ, có nội dung đe dọa, yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, nên bình tĩnh, không làm theo và báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Cần tăng cường tuyên truyền trong nhà trường và gia đình

Từ vụ việc của cháu M, lực lượng chức năng đề nghị các trường đại học, cao đẳng chủ động phối hợp tổ chức tuyên truyền về kỹ năng nhận diện tội phạm công nghệ cao, cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công quyền, đặc biệt với tân sinh viên và học sinh sống xa nhà.

Gia đình cũng cần giữ liên lạc thường xuyên với con em, hướng dẫn cách xử lý khi nhận các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, tránh hoảng loạn và mất tiền oan.

Theo: SK và ĐS