Những ngày qua, thời tiết nắng nóng gay gắt ở miền Bắc khiến cho công việc các y bác sĩ, và những sinh viên tình nguyện tuyến đầu trở nên vất vả thêm gấp nhiều lần.
- Bác sĩ về hưu ở Nghệ An viết đơn xin tình nguyện ra Bắc Giang chống dịch
- Nữ y tá Bắc Giang thừa nhận ‘đòi tiền’ của bệnh nhân Covid-19
Nam sinh ngất xỉu trong thời tiết 40 độ
Trung Anh, 20 tuổi, Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương là một trong khoảng 200 sinh viên của trường này đến “tâm dịch” huyệt Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chi viện tỉnh ứng phó dịch bệnh.
Mỗi ngày, công việc sẽ bắt đầu từ 6h sáng đến khoảng 9 – 10h đêm mới kết thúc. Thậm chí có hôm có thể kéo dài tới 2 – 3 giờ sáng hôm sau. Chỉ được nghỉ giải lao chỉ vài phút nên các thành viên của đoàn tình nguyện phải tranh thủ, thay phiên nhau chợp mắt ngay tại nơi lấy mẫu xét nghiệm, trên người vẫn nguyên bộ đồ bảo hộ, giữa tiết trời nắng nóng gay gắt đầu hè.
Chia sẻ với Doanh nghiệp và Tiếp thị, Trung Anh cho biết có những hôm cậu cùng bạn bè làm việc từ 5h sáng, ăn trưa lúc 2h chiều, nghỉ ngơi, rồi đến 4h lại tiếp tục công việc. Hoàn thành công việc, cậu về phòng ăn uống và vệ sinh cá nhân. 12h đêm, Trung Anh tiếp tục kiểm kê đồ dùng đến rạng sáng hôm sau mới ngủ.
Thời gian đầu, tổ xét nghiệm có thể lấy hơn 10.000 mẫu. Sau đó, để tăng tốc mỗi ngày có thể lấy vài chục nghìn mẫu, các thành viên trong nhóm buộc làm việc hết công suất.
“Dưới cái nóng hầm hập đến 40 độ C, chúng mình mặc đồ bảo hộ kín mít, mồ hôi túa ra như tắm, phần da ở tay, lưng bỏng rát… Nhưng ai ai cũng đều cắn răng chịu đựng, cốt là lấy nhanh mẫu xét nghiệm cho người dân”, Trung Anh kể lại.
Ngày 25/5, Bắc Giang ghi nhận con số kỷ lục hơn 300 ca mắc COVID-19 đều là công nhân tại các nhà máy, khu công nghiệp. Trung Anh kể, hôm đó, cậu cùng các bạn di chuyển đến xã Quang Châu lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.
Thời điểm dịch căng thẳng, nam sinh không dám cởi đồ bảo hộ để uống nước hay nghỉ ngơi, bởi nguy cơ tiếp xúc F0, F1 rất lớn. Cả nhóm tập trung lấy mẫu, dưới thời tiết oi bức, nắng nóng. Bộ đồ bảo hộ kín mít khiến các nhân viên y tế dễ bị mất nước, khó thở.
Thấy hơi chóng mặt, cậu ngồi xuống định nghỉ một lúc thì ngất vì kiệt sức. Khi tỉnh dậy, cậu được đưa vào trong nhà, cởi bỏ đồ bảo hộ. Sau khi sức khoẻ đã hồi phục, cậu lại tiếp tục thực hiện nhiệm vụ vào ngày hôm sau.
Hình ảnh chụp lại cảnh Trung Anh ngất xỉu lan toả mạnh trên mạng xã hội, người thân, bạn bè gọi điện liên tục hỏi han. Biết con trai vất vả nhưng bố mẹ Trung Anh chỉ nhắn tin dặn dò, hỏi thăm chứ không cấm cản.
“Một buổi có 4 – 5 người bị ngất”
Không riêng Trung Anh, tại Bắc Giang và Bắc Ninh những ngày nắng nóng vừa qua có hàng loạt nhân viên y tế, sinh viên tình nguyện kiệt sức, ngất xỉu trong khi nỗ lực lấy mẫu xét nghiệm càng nhanh càng tốt.
Chia sẻ với báo Lao Động, em N.H.G – sinh viên Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho biết, nhiều ngày qua, nắng nóng gay gắt, nhiệt độ thường trên 40 độ C, cộng thêm làm việc với cường độ cao và mặc đồ bảo hộ kín mít trong thời gian dài, nên em cùng các bạn tình nguyện viên mồ hôi luôn ướt sũng.
Em G cho hay: “Những hôm trước, chúng em đi lấy mẫu cả sáng và chiều. Sáng bắt đầu từ 7h, nhưng đến 10h đã có bạn kiệt sức vì mất nước. Còn tối do không ăn cơm đúng giờ, nên các bạn ngất. Một buổi có tầm 4 – 5 người bị ngất”.
Trước đó, ngày 9/5, y sĩ Lê Thị Nhung (43 tuổi) của Trung tâm Y tế huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cũng đã đổ gục dưới cái nóng trên 35 độ C. Sau khi được đồng nghiệp dìu vào phòng, giúp cởi bộ đồ bảo hộ, khẩu trang, chị đã nôn thốc nôn tháo. Sau khi tỉnh táo lại, chị lại tiếp tục công việc của mình.
Ngày 22/5, một nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm tại Quế Võ, Bắc Ninh cũng ngất xỉu khi phải làm việc quá sức.
Những hình ảnh kiệt sức của các sinh viên, y bác sĩ không khỏi khiến chúng ta cảm động và cảm phục. Có lẽ, cũng như Trung Anh, nhiều bác sĩ tuyến đầu chỉ mong rằng “người dân đều có ý thức phòng chống dịch, tự biết bảo vệ chính mình để hạn chế lây nhiễm”, như vậy cũng đã phần nào giúp giảm bớt áp lực và những khó khăn mà họ phải đối mặt.