Tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, quân đội Trung Quốc gần đây đã thử nghiệm một loại robot có hình dáng và khả năng bơi giống như một con cá đuối.
Theo BenarNews, giới truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng các nhà nghiên cứu Trung Quốc của một trường đại học có liên kết với quân đội đã hoàn thành cuộc thử nghiệm đầu tiên với loại robot trên ở ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa.
BenarNews nhận định: “Các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến của thiết bị không người lái tinh vi này.”
Robot hình con cá đuối ở Biển Đông
Vào đầu tháng 9, Tân Hoa Xã đăng video clip cho thấy các nhà nghiên cứu đang thả một con “cá đuối” lớn, màu vàng tươi từ một con tàu vào vùng biển ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông.
Hình dáng của thiết bị này trông như một con cá đuối thực thụ. Robot này được thiết kế dựa trên việc mô phỏng cá đuối, “một trong những loài bơi hiệu quả nhất trong tự nhiên”. Giới truyền thông Trung Quốc ca ngợi, robot này có “hiệu suất đẩy cao; khả năng cơ động cao; độ ổn định cao; ít xáo trộn môi trường; tiếng ồn thấp; khả năng chịu tải lớn và hạ cánh nhẹ nhàng đáy biển.”
Sau khi phát triển một số nguyên mẫu, Trung Quốc tuyên bố robot sinh học của họ đã đạt được “khả năng vỗ, lướt, dừng khẩn cấp, quay đầu và các hành động khác của tia manta sinh học này; và hầu như không có sự khác biệt nào với tia manta thật ”.
Giới chức Trung Quốc tuyên robot sinh học hình cá đuối của họ có thể hoạt động liên tục trong nhiều tuần; và được gắn các cảm biến để phát hiện hình ảnh và âm thanh.
Robot ‘hình cá đuối’ dùng cho mục đích quân sự?
Trung Quốc nói rằng các robot hình cá đuối sẽ “đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường biển.” Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Trung Quốc có thể dùng chúng cho mục đích quân sự.
Ông Noel Sharkey, giáo sư danh dự về trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy tại Đại học Sheffield ở Vương quốc Anh, cho biết ông chưa từng thấy thiết bị nào như vậy. Nhưng ông cho rằng nó sẽ bị chính quyền Trung Quốc lợi dụng. Ông nói với RFA: “Hầu hết các phát minh tốt về robot tốt rốt cuộc đều được sử dụng trong quân sự.”
Giáo sư Alexandre Vuving tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương (APCSS), một viện thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ có trụ sở tại Hawaii, cũng có chung nhận định này. Ông nói: “Trung Quốc sẽ sử dụng các robot phỏng sinh học này cho các mục đích quân sự. Điều này phù hợp với chiến lược hợp nhất quân sự-dân sự của họ”.
Hợp nhất quân sự – dân sự là một chiến lược của Trung Quốc nhằm phát triển quân đội thông qua việc khuyến khích đầu tư và công nghệ từ khu vực tư nhân và các tổ chức học thuật.