Theo Taiwan News, tỉnh Tứ Xuyên – thượng nguồn sông Dương Tử, hôm 17/8 đã chứng kiến các trận lũ lụt tồi tệ nhất từng thấy trong hơn 70 năm qua, trong khi đập Tam Hiệp ở hạ nguồn đối mặt đỉnh lũ thứ 5 trong năm.
Sau khi “đợt lũ lụt số 4” vừa đi qua đập Tam Hiệp vào ngày 15/8, Ủy ban Tài nguyên nước Trường Giang (CWRC) đã đưa ra cảnh báo lũ lụt màu cam (mức nghiêm trọng chỉ sau báo động đỏ) cho sông Gia Lăng (Jialing) và phụ lưu của sông Đà Giang (Fu) ở thượng nguồn sông Dương Tử, tỉnh Tứ Xuyên. Dự báo, trận lũ lụt ở thượng nguồn sẽ tạo thành “Đợt lũ số 5” liên tiếp cho Tam Hiệp và nhanh chóng ập đến sau trận lũ trước đó.
Tỉnh Tứ Xuyên – thượng nguồn sông Dương Tử hứng chịu trận lũ lụt lịch sử (ảnh: Taiwan News). |
Đến đầu giờ chiều ngày 17/8, Tân Hoa Xã đưa tin trận lũ thứ 5 trong năm đã bắt đầu đổ về đập Tam Hiệp, chỉ sau trận lũ số 4 hai ngày.
Đỉnh của “đợt lũ số 4” trên sông Dương Tử đoạn qua hồ Tam Hiệp vào khoảng 8h ngày 15/8. Lưu lượng nước đạt 62.000 m3/ giây, cao hơn ba trận lũ trước trong năm nay.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông địa phương ở Tứ Xuyên, tỉnh này đã chứng kiến một đợt mưa xối xả mới kể từ ngày 10/8.
Trận mưa đã khiến mức nước của 41 con sông tại khu vực này vượt quá mức cảnh báo. Trong đó, 22 con sông đã vượt quá mức được gọi là “an toàn”, mức đã được chính quyền nâng gấp đôi mức nước lũ năm ngoái nhằm giảm bớt cảm giác lo sợ cho người dân.
Các nhà chức trách dự đoán rằng lũ sẽ nhanh chóng đạt đỉnh. Người dân ước tính mực nước tại huyện Kim Đường (Jintang) của TP. Thành Đô, nằm ở thượng nguồn sông Đà Giang (Tuo), sẽ vượt “mức an toàn” tới gần 4 mét. Lưu lượng cao nhất sẽ lên tới 8.200 m3/giây, lập mức kỷ lục mới kể từ khi Đảng cộng sản Trung Quốc giành chính quyền cách đây 71 năm.
Trung Quốc đang hứng chịu nhiều đợt mưa lũ từ đầu mùa, liên tục đe dọa an toàn của đập Tam Hiệp. Ngoài yếu tố thời tiết bất thường năm nay, tình trạng phá rừng kiểu “hủy diệt” tại Trung Quốc mấy chục năm qua khiến lũ lụt trầm trọng hơn.
Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp là một trong những công trình thủy lợi gây tranh cãi nhất ở Trung Quốc, năm 1992 trong Đại hội biểu quyết toàn dân, có 1/3 số đại biểu bỏ phiếu phản đối hoặc từ chối bỏ phiếu. Nhưng lãnh đạo chính quyền Trung Quốc lúc bấy giờ là Giang Trạch Dân đã bỏ ngoài tai lời khuyên của các nhà khoa học để cưỡng chế khởi công công trình này.
Các nhà khoa học, chuyên gia đã cảnh báo những nguy cơ về quân sự, môi trường, tích tụ bùn đất và mực nước dâng cao… có thể dẫn đến nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp. Trong tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp, mưa lũ tiếp tục đổ xuống thượng nguồn sông Dương Tử như hiện nay, cộng đồng ngày càng lo ngại về tình trạng an toàn của đập Tam Hiệp.