Chính quyền Trung Quốc đang xâm nhập nước ngoài và xuất khẩu chế độ cai trị của mình ra toàn cầu thông qua các cuộc trao đổi, đào tạo và cung cấp thiết bị, theo một chuyên gia về Trung Quốc, Tiến sĩ Antonio Graceffo.
Trong bài phân tích trên Epochtimes, ông Graceffo đề cập đến sự kiện: Năm 2011, chính phủ Ecuador đã lắp đặt một hệ thống giám sát do Trung Quốc thiết kế trên toàn quốc.
“Ngày nay, tội phạm vẫn tràn lan, nhưng cảnh sát và cộng đồng tình báo nội bộ có thể giám sát bất cứ ai họ muốn”, ông Graceffo viết.
Theo ông: “Với các cuộc đàn áp tàn bạo ở Hồng Kông và các biện pháp kiểm soát công nghệ giám sát kỹ thuật số tiên tiến nhất ở Tân Cương, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một chuyên gia trong việc sử dụng lực lượng công an làm phương tiện trấn áp”.
“Bắc Kinh đang cố gắng khẳng định vị thế của mình như một đối tác an ninh quốc tế; đồng thời mở rộng nhiệm vụ của các lực lượng an ninh của chính họ, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động gián điệp và thu thập thông tin tình báo”.
“Trong 15 năm qua, ĐCSTQ đã không ngừng mở rộng vai trò an ninh ở nước ngoài của quân đội Trung Quốc thông qua việc tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình, ứng phó với thảm họa và chống khủng bố trên khắp thế giới.”
Trung Quốc đã tổ chức nhiều cuộc đào tạo cảnh sát cho nước ngoài. Ví dụ, họ từng đào tạo cảnh sát ở Liberia vào năm 2014. Học viện cảnh sát ở tỉnh Sơn Đông từng tổ chức một khóa đào tạo hàng năm cho các nhân viên thực thi pháp luật châu Phi . Trường Cao đẳng Cảnh sát Vân Nam, ở Côn Minh, có hiệp hội Học viện Thực thi Pháp luật các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) của Trung Quốc, chuyên cung cấp đào tạo và giáo dục miễn phí cho các nhân viên thực thi pháp luật từ ASEAN. Cục Công an thành phố Bắc Kinh có thỏa thuận hợp tác với 10 thành phố ở Trung Á, và cục này cũng tổ chức các hội nghị chuyên đề về cảnh sát quốc tế cho các sĩ quan nước ngoài.
Bắc Kinh còn hỗ trợ các nhà sản xuất máy ảnh, máy ghi hình và thiết bị an ninh của Trung Quốc để họ giành được các dự án an ninh ở nước ngoài.
Iran đã thông qua hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc, nhằm giám sát và kiểm soát hành vi tài chính và xã hội của công dân nước này. Năm 2010, nước này đã ký một thỏa thuận trị giá 130 triệu USD với ZTE, một công ty công nghệ có một phần thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc. Theo thỏa thuận, Iran cho lắp đặt các hệ thống giám sát của ZTE trên mạng điện thoại và mạng internet do chính phủ quản lý.
Ở châu Phi, công nghệ bảo mật của Huawei đang được sử dụng để do thám các đối thủ chính trị, phá hoại nền dân chủ. Trung Quốc và Bolivia đã ký một thỏa thuận xây dựng một hệ thống chỉ huy và kiểm soát tích hợp cho an ninh tiểu vùng, do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tài trợ. Tại Jamaica, Trung Quốc đã tặng trang thiết bị cho lực lượng cảnh sát. Tại Quintuco, Argentina, quân đội Trung Quốc đã xây dựng một trạm kiểm soát vệ tinh và nhiệm vụ không gian trị giá 50 triệu USD, có khả năng giám sát và nghe lén trên phạm vi quốc tế .
Tại Ecuador, hơn 3.000 nhân viên an ninh công cộng tại 16 trung tâm giám sát, xem lại cảnh quay từ 4.300 camera như một phần của hệ thống giám sát và kiểm soát video do Trung Quốc thiết lập. Video theo dõi không chỉ được cảnh sát xem xét mà còn được gửi đến lực lượng tình báo nội bộ của quốc gia.
Các hệ thống giám sát tình báo do Trung Quốc sản xuất hiện đang được 18 quốc gia sử dụng. Ba mươi sáu quốc gia đã được Trung Quốc đào tạo về “định hướng dư luận”. Ngoài giám sát video, các hệ thống này cho phép các quan chức an ninh theo dõi điện thoại của người dân. Một số hệ thống còn được bổ sung tính năng nhận dạng khuôn mặt.
Tiến sĩ Graceffo cho rằng: “Sự hợp tác an ninh ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Phi và châu Mỹ Latinh đặt ra mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở các khu vực đó. Ngoài ra, nó làm suy yếu chất lượng của nền dân chủ, tạo cho các nhà độc tài những phương tiện tốt hơn để kiểm soát dân chúng của họ.”
Tiến sĩ Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại Châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc. Ông Graceffo là giảng viên kinh tế và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách của ông về Trung Quốc bao gồm “Vượt trên vành đai và con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc” và “Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc.”