Trong dịp khánh thành dự án chỉnh trang Công viên Mê Linh và Công viên Bến Bạch Đằng sáng 17/3, TP. HCM đã đặt lại lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Theo VietNamNet, sáng 17/3, TP. HCM tổ chức Lễ khánh thành dự án chỉnh trang Công viên Mê Linh và Công viên Bến Bạch Đằng.
Khuya 16/3, TP. HCM đã đưa lư hương đặt lại trước tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo, đây là công đoạn cuối để chuẩn bị cho lễ khánh thành sáng nay.
Có mặt từ sáng sớm tại đây, nhiều người dân đi tập thể dục đã tranh thủ vào chụp hình trước tượng đài Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Ông Nguyễn Lê Phú (nhà ở quận Phú Nhuận) cho biết, khi nghe tin từ đêm qua, sáng nay ông phải tranh thủ tới sớm để chụp hình.
Theo ông, đây là điều mà ông và người dân mong đợi từ lâu, cho thấy lãnh đạo TP có quyết định đúng ý dân.
Còn bà Việt Anh, nhà ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 cũng tranh thủ ra sớm chụp hình. Theo bà, việc đưa lư hương trở lại tượng đài là rất tốt. Sau chỉnh trang, tượng đài và khu vực xung quanh đã đẹp hơn.
Theo VnExpress, trước đó, tháng 2/2019 quận 1 chỉnh trang lại khu vực tượng đài Trần Hưng Đạo, đồng thời dời lư hương trước tượng đài về đền thờ ở đường Võ Thị Sáu. Việc này gặp phản ứng của nhiều người dân vì cho rằng đã lấy đi chỗ thờ phụng Đức Thánh Trần của người Sài Gòn trong một thời gian rất dài.
Tượng đài Trần Hưng Đạo ở công trường Mê Linh được xây dựng trước năm 1975 bằng bê tông cốt thép. Tượng cao 4 m đặt trên bệ ba cạnh cao 12 m, ốp đá màu nâu, 3 mặt đế tượng có 6 mảng phù điêu diễn tả các trận đánh giặc ngoại xâm. Sau nhiều năm, tượng bị xuống cấp nên thành phố cho tôn tạo lại cùng việc nâng cấp Công viên Mê Linh gần đó, với tổng kinh phí hơn 32 tỷ đồng.
Liên quan đến việc này, rất nhiều người dân bình luận bày tỏ sự vui mừng và ủng hộ chính quyền với quyết định này.
“Đặt lại lư hương về tượng đài Trần Hưng Đạo là tuyệt vời. Dân chúng tôi chờ đợi điều này lâu lắm rồi”.
“Nơi đặt Lư hương là chốn tâm linh thờ Đức Thánh Trần đã được người Sài gòn cúng bái bao nhiêu năm, trải qua thời gian dài cùng Sài gòn và dân tộc, cho nên cần phải tôn trọng ý nguyện và truyền thống. Thỉnh về lại là đúng, là hợp lòng dân”.
“Có lư hương góp phần tạo nên vẻ uy nghiêm và tôn kính hơn với Ngài và người dân thấy sự linh thiêng này cũng sẽ có ý thức về gìn giữ bảo vệ môi trường không gian xung quanh luôn sạch đẹp….”.