Lần tôn tạo này, chính quyền TP. HCM liệu có làm theo ý kiến của rất nhiều người dân về việc đặt lư hương trở lại tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo?

“Không thay đổi tạo hình, màu sắc của tượng”

Theo báo Zing, Sở Xây dựng TP. HCM vừa gửi UBND TP phương án tu bổ tượng Đức thánh Trần Hưng Đạo ở quận 1. Sở Xây dựng nói, việc tu bổ theo nguyên tắc không làm thay đổi đặc điểm tạo hình, màu sắc của bệ tượng, thân tượng và thống nhất sửa chữa theo kiến nghị của đơn vị kiểm định.

Riêng việc đục bỏ lớp vữa trát hiện hữu sẽ không được thực hiện vì sẽ làm thay đổi tạo hình tượng.

Phía Sở Xây dựng cho biết, phần thân tượng được bơm xử lý các vết nứt bê tông; trám vét, xử lý các vị trí nứt của lớp vữa trát bên ngoài; quét chống thấm và sơn bảo vệ tượng theo màu cũ…

Bệ tượng sẽ được thay mới toàn bộ lớp đá ốp bề mặt bằng loại đá cùng chủng loại, màu sắc; xử lý chống thấm và bảo vệ bề mặt tường bao và khung bệ đỡ.

Có đặt lại lư hương?

Một trong những sự quan tâm của người dân xoay quanh việc tu bổ tượng; đó là có đặt lại lư hương về vị trí cũ; hiện chưa được Sở Xây dựng và giới chức TP. HCM trả lời rõ ràng.

Trong một thông tin hiếm hoi liên quan đến phát ngôn của giới chức TP về vấn đề này, báo Tuổi Trẻ cho biết: Sau khi công bố phương án trùng tu tượng, thành phố sẽ mời người dân góp ý về việc đặt lư hương.

Cụ thể, trong cuộc họp báo chiều 26/9, ông Phạm Đức Hải – phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM (nguyên Phó CT thành phố), nói rằng: Sau khi công bố thiết kế việc tôn tạo tượng Đức thánh Trần (có thể vào đầu tháng 10), TP sẽ mời người dân góp ý, từ màu sắc, phù điều và “kể cả lư hương như thế nào”.

Theo các tư liệu, tượng đài Trần Hưng Đạo được đặt ở công viên Mê Linh vào năm 1967 do nhà điêu khắc Phạm Thông sáng tác. Tượng bằng bêtông cốt thép, cao 4m, được đặt trên đế hình ba cạnh cao 12m.

Bức tượng thể hiện hình ảnh Hưng Đạo Vương mặc giáp phục, một tay đặt lên đốc kiếm, một tay chỉ về hướng sông Sài Gòn một cách dũng mãnh.

Những ảnh tư liệu chụp từ 1967 cho thấy, khi tượng đài mới khánh thành đã có một lư hương lớn đặt trước chân đế tượng về hướng sông Sài Gòn.

Tượng Trần Hưng Đạo trước năm 1975, với lư hương được đặt ở dưới bệ (ảnh: pinterest)
Tượng Trần Hưng Đạo trước năm 1975, với lư hương được đặt ở dưới bệ (ảnh: pinterest)

Trải qua hàng chục năm đặt dưới tượng, tới tháng 2/2019, quận ủy quận 1 đã di dời lư hương, đem đi đặt ở một đền thờ.

Khi đó, bà Trần Kim Yến – bí thư quận 1, đã nói rằng: “Một số người cho rằng việc làm này nhạy cảm nhưng tôi nghĩ đó là việc làm bình thường và được nhiều bà con ủng hộ” (?!).