Tình trạng di cư ra nước ngoài và “chảy máu chất xám” là một vấn đề khiến Nga phải đau đầu trong nhiều năm qua.
Đất nước này đã chứng kiến các cuộc di cư ồ ạt của các công dân có trình độ học vấn cao đến các khu vực khác như Đông Âu và Mỹ, theo Insider. Vậy vì sao người Nga muốn rời khỏi đất nước của mình?
Tóm tắt nội dung
Người Nga có trình độ không muốn sống trong tình trạng kiểm soát
Tính đến năm 2019, có tới 2 triệu người đã rời Nga kể từ khi ông Putin trở thành tổng thống, trong đó có nhiều người là doanh nhân, nhà sáng tạo và học giả, theo thống kê của Hội đồng Đại Tây Dương (một tổ chức tư vấn về các vấn đề quốc tế).
Giáo sư kinh tế học Oleg Itskhoki của Đại học California (Mỹ) cho biết: “Những người có trình độ học vấn không thích sống trong một chế độ độc tài với sự kiểm duyệt và những hạn chế khác của các quyền cơ bản của con người, và điều này dẫn đến chảy máu chất xám”.
Giáo sư Itskhoki nói, không phải là họ muốn đi hay không, mà là liệu họ có thể đi hay không và khi nào họ sẽ rời khỏi Nga. Quốc gia này có quy định cấm công dân ra nước ngoài với hơn 10.000 đô la mang theo. Đây là một biện pháp để buộc người dân và tiền bạc của họ phải ở lại Nga.
Người Nga di cư để tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc chiến tại Ukraine
Các nhà kinh tế nói với Insider rằng hành động quân sự của Nga chống lại Ukraine – và các lệnh trừng phạt sau đó của phương Tây – sẽ khiến vấn đề chảy máu chất xám của Nga trở nên tồi tệ hơn trong dài hạn.
Nhu cầu di cư ra nước ngoài của người Nga gia tăng kể từ khi Tổng thống Putin mở cuộc xâm lược vào Ukraine. Các nước phương Tây đã ban hành một làn sóng trừng phạt khiến Nga bị cô lập và hạn chế tài chính.
Các chính phủ nước ngoài thậm chí còn khiến người Nga bị cô lập về thể chất: Ít nhất 33 hãng hàng không nước ngoài đã ngừng bay đến Nga và hầu hết các nước châu Âu đã cấm máy bay Nga xâm nhập không phận của họ.
Theo Telegraph, đã có hàng nghìn người Nga đã bỏ trốn khỏi đất nước trong tuần kể từ sau khi chiến sự Ukraine xảy ra. Hầu hết những người rời đi là những người có khả năng tài chính, bao gồm cả tầng lớp trung lưu thành thị được giáo dục tốt của Nga.
Nga ‘rơi vào thảm họa’ vì làn sóng di cư ra nước ngoài
Ông Nikolai Roussanov, giáo sư kinh tế tại Đại học Pennsylvania (Mỹ), cho biết: “Về lâu dài, chảy máu chất xám có thể là vấn đề quan trọng nhất đối với Nga”.
Theo giáo sư Roussanov, còn quá sớm để nhìn thấy ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với tình trạng chảy máu chất xám ở Nga. Nhưng ông nói thêm rằng các cuộc di cư sẽ càng gia tăng.
Các tổ chức nước ngoài có thể sẽ rời khỏi Nga. Kéo theo đó là những người trẻ tuổi và những người giàu có. Tình trạng chảy máu chất xám, cùng với sự cô lập của Nga, có khả năng sẽ khiến nước này thụt lùi về sự phát triển so với những năm gần đây.
Giáo Roussanov nói rằng sự ra đi của họ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế Nga. Ông nói, “chảy máu chất xám tất nhiên sẽ gây ra những hậu quả cực kỳ tiêu cực đối với nguồn nhân lực của đất nước, vốn thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới và sáng tạo”. Giáo sư nói thêm rằng nó cũng sẽ” làm giảm nhu cầu tiêu dùng” tại Nga.
Giáo sư Itskhoki cho biết chảy máu chất xám không phải là vấn đề “cấp tính nhất” của Nga. Nhưng nó “thực sự là một thảm họa theo nhiều cách khác nhau, mà thảm họa kinh tế chỉ là một trong số đó”.
Ông Itskhoki cho biết bản chất của việc Nga xâm lược một quốc gia dân chủ châu Âu láng giềng là lý do dẫn đến các lệnh trừng phạt.
Điều này khiến Nga phải đối mặt với “sự cô lập về kinh tế, chính trị, học thuật, văn hóa và các loại khác mà chúng ta chưa thực sự thấy”, theo giáo sư Itskhoki. Ông cho biết trong tương lai gần, Nga có thể giống với Iran, quốc gia có nền kinh tế bị tê liệt vì các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Điều này sẽ cực kỳ tốn kém và đau đớn đối với những người Nga bình thường”, ông Itskhoki nói. Vì vậy làn sóng người Nga di cư ra nước ngoài có thể sẽ kéo dài theo thời gian.