Sau vụ cháy 5 người chết: Ẩn họa từ những “chuồng cọp” không lối thoát; Trung tướng Hồ Thanh Đình bị khiển trách… là những nội dung nổi bật của bản tin tối 21/4/2022.
Tóm tắt nội dung
Bí mật giật mình trong Công ty CP Bóng đèn Điện Quang
Bước đầu lực lượng chức năng xác định doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như: không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; tự xử lý các loại chất thải không được cơ quan chức năng cho phép và chôn lấp chất thải trái quy định của pháp luật.
Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên đang tiến hành tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải. Bước đầu, các nhân viên này khai nhận xay nghiền vỏ bóng đèn từ 8/3/2022 đến nay.
Công an phát hiện gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất chứa trong 195 bao và gần 370.000 bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được thoát trực tiếp ra hệ thống mương thoát nước… (đọc toàn bản tin trên báo Người Lao Động).
Sau vụ cháy 5 người chết: Ẩn họa từ những ‘chuồng cọp’ không lối thoát
Ẩn họa cháy nổ trong những ngôi nhà tập thể cũ, với những “chuồng cọp” không lối thoát, là nỗi lo chung ở khu tập thể B9 Kim Liên (phố Phạm Ngọc Thạch, Đống Đa, Hà Nội).
Sáng 21/4, hiện trường vụ hỏa hoạn nghiêm trọng khiến 5 người tử vong xảy ra tại ngôi nhà sát khu B9, tập thể Kim Liên, ngõ 65 phố Phạm Ngọc Thạch đã được lực lượng chức năng phong tỏa nghiêm ngặt để phục vụ quá trình điều tra.
Hiện trạng ngôi nhà cháy là có 2 tầng, 1 tum, dạng nhà ống nhỏ không có đường thoát nhiệt; có lối thoát hiểm trên nóc nhà. 5 người bị mắc kẹt tại tầng 2. 2 người thoát qua cửa tum sang mái nhà bên cạnh và được cứu sống. Sau vụ cháy, nhiều người dân sống trong khu nhà tập thể cũ gần hiện trường tỏ ra lo lắng về nguy cơ cháy nổ tại đây.
Các căn hộ tập thể đều được cơi nới “chuồng cọp”; được hàn kín không có lối thoát hiểm.
“Chuồng cọp” đua ra phía ngoài lô gia, ban công rất nhiều để tăng diện tích sử dụng.
Một số hộ còn xây gạch để bịt kín “chuồng cọp”
Mời quý độc giả xem toàn bản tin trên báo Dân Trí:
Nước sông Mekong cao bất thường giữa mùa khô
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tổng lượng dòng chảy từ tháng 1 đến tháng 2/2022, dòng chảy trên sông Mekong biến đổi chậm, từ đầu tháng 3 dòng chảy trên sông Mekong tăng mạnh do đập thủy điện ở Trung Quốc tăng xả.
Trong 15 ngày đầu tháng 4, lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Dự báo, 15 ngày cuối tháng 4, lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long có xu thế tăng dần và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 15 – 20%. Tổng lượng dòng chảy về đầu nguồn sông Cửu Long từ tháng 4 đến tháng 6 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20 – 30%.
Theo Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mekong, dự báo mực nước ngày lớn nhất tại trạm Tân Châu trong tháng 4 có khả năng sẽ dao động trong khoảng từ 1,2m đến 1,5m, cao hơn cùng kỳ năm 2021. Tổng lưu lượng trong tháng qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc có thể sẽ dao động quanh mức 5.500m3/s. Tổng lượng dòng chảy tháng qua hai trạm này được nhận định sẽ ở mức từ 12,6 đến 14,3 tỷ m3, tương đương trung bình nhiều năm và lớn hơn cùng kỳ năm 2021 khoảng 25%.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Bộ NN&PTNT) dự báo dòng chảy bình quân về ĐBSCL từ tháng 4 đến cuối mùa khô ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, do ảnh hưởng của xả nước gia tăng từ thủy điện Trung Quốc và hạ lưu vực Mekong. Điều này sẽ có tác động tích cực đến giảm xâm nhập mặn ở các tháng 4 và 5 nếu không có gì bất thường từ vận hành giảm xả nước ở các thủy điện (đọc toàn bản tin trên báo Tuổi Trẻ).
Đắk Nông: Thôi chức Hạt trưởng của lãnh đạo gác 2 chân lên bàn làm việc
Ngày 21/4, thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã có quyết định thôi chức vụ Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R’lấp đối với ông Lê Văn Tường. Đồng thời, bố trí ông Tường giữ chức vụ Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk R’lấp từ ngày 25/4.
Ông Tường, nhân vật trong clip Hạt trưởng có thói quen gác hai chân lên bàn làm việc, gây xôn xao dư luận trước đó (đọc toàn bản tin trên báo Thanh Niên).
Thanh Hoá: Cá ‘bơi ngửa bụng’ vì nước thải của công ty chế biến lâm sản?
Thông tin từ UBND huyện Như Xuân (Thanh Hóa) cho biết, Chủ tịch UBND huyện này vừa ban hành quyết định xử phạt Công ty TNHH Khánh Nam 50 triệu đồng về hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh dịch vụ mà không có kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cụ thể, trước đó, ngày 14/4/2022, đoàn công tác của huyện Như Xuân phát hiện công ty này có 2 đường ống đường kính 110cm xả thải trực tiếp ra sông Quyền đoạn chảy qua xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân.
Nước từ sông Quyền chảy ra sông Chàng (đoạn qua xã Thanh Hoà, huyện Như Xuân) có màu đen kịt, hôi thối, nhiều bọt trắng; tôm, cá tự nhiên trên sông có hiện tượng chết bất thường (đọc toàn bản tin trên báo Tiền Phong).
Trung tướng Hồ Thanh Đình bị khiển trách
Trung tướng Hồ Thanh Đình – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Cục trưởng Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, bị khiển trách.
Trong thông cáo phát chiều 21/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết quyết định kỷ luật được đưa ra sau khi xem xét đề nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương.
Trung tướng Đình bị xác định thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát trong việc đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù với phạm nhân Phan Sào Nam…
Đồng thời, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cảnh cáo thiếu tướng Tống Mạnh Chinh – nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Bệnh viện 30/4, Bộ Công an “do vi phạm quy định trong đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế và thanh quyết toán bảo hiểm y tế” (đọc toàn bản tin trên báo VnExpress).