Việt Nam vừa cử Phó Tổng Tham mưu trưởng quân đội tham dự Triển lãm Vũ khí Lục quân Eurosatory6 tại Pháp.
Eurosatory là một trong những triển lãm vũ khí, trang bị lục quân lớn nhất thế giới với sự tham gia của gần 160 nước và các doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Từ năm 1998 đến nay, Bộ Quốc phòng Việt Nam đều đặn cử người tham dự triển lãm này. Theo Báo Chính Phủ, năm nay, dẫn đầu đoàn Việt Nam là trung tướng Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Tổng Tham mưu trưởng.
Trong chuyến đi này, ngoài tham quan gian hàng tại triển lãm và tiếp xúc với các doanh nghiệp quốc phòng của nước chủ nhà cùng một số nước khác, trung tướng Nghĩa và đoàn Việt Nam đã có các cuộc hội kiến với Thượng tướng Thierry Marchand, Cục trưởng Cục Hợp tác và An ninh quốc phòng; Thiếu tướng Geoffroy de Larouzière, Phó Tham mưu trưởng phụ trách quan hệ quốc tế của Lục quân Pháp và Thiếu tướng Caroline Salahun, Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương, Tổng cục Trang bị vũ khí Pháp. Nội dung các cuộc gặp gỡ được cho là “thúc đẩy hợp tác quốc phòng hai nước”.
Tướng Nghĩa cũng thông báo và mời Bộ Quân đội Pháp cử đại diện cùng các doanh nghiệp quốc phòng lớn của Pháp tham dự Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.
Một thập niên trở lại đây, có nhiều thông tin cho rằng, Pháp sẵn sàng giúp Việt Nam tiếp cận với các loại vũ khí tối tân. Trong đó, có loại có thể đối chọi được vũ khí của Nga sản xuất mà quân đội Trung Quốc đang trang bị. Hoặc Việt Nam có thể học được từ Pháp những công nghệ điện tử tối tân áp dụng hữu hiệu cho việc phòng thủ trên biển.
“Như bên quân đội Pháp, chúng tôi biết được rằng tất cả những dữ kiện trên chiến trường được những chiếc máy bay không người lái thu thập, gửi về satellite (vệ tinh), rồi vệ tinh gửi về tổng đài, rồi tổng đài mới lệnh là cái nào bắn đi đường nào, như thế nào.
Hệ thống điện tử bao trùm hết như vậy thì Việt Nam cho đến nay chưa có. Những nước công nghệ cao họ chưa cho phép người Việt Nam dùng satellite của họ. Việt Nam cần tiếp cận được những satellite quân đội hiện diện trong vùng”, một chuyên gia nói trên BBC hồi tháng 5/2017.
Những công nghệ này có thể thu hút trở lại sự quan tâm của Việt Nam khi chúng xuất hiện tại triển lãm lần này. Theo đó, triển lãm nay nay chứng kiến một cuộc chạy đua mới giữa các nhà sản xuất hệ thống máy bay không người lái và các kỹ sư đang phát triển bộ xáo trộn sóng vô tuyến và thiết bị gây nhiễu GPS nhằm chiếm quyền kiểm soát máy bay không người lái. Các doanh nghiệp quân sự tham gia triển lãm cho biết, các phi công vẫn đang thử nghiệm công nghệ này.
Ông Red Mcclintock – Giám đốc công ty Droneshield, Australia cho biết: “Thiết bị xáo trộn tần số vô tuyến có nhiệm vụ cắt tín hiệu GPS, nó sẽ cắt liên kết video từ máy bay không người lái đến người điều khiển và đột nhiên hình ảnh trên màn hình dừng lại. Trong trường hợp bị nhiễu toàn bộ, máy bay không người lái sẽ hạ cánh từ từ và được kiểm soát tại chỗ”.
Trong khi đó, một công ty khác lại đang phát triển thiết bị theo dõi vị trí và cảm biến trang bị cho máy bay không người lái chiến đấu. Một chiếc máy bay không người lái cỡ nhỏ trị giá 2.000 USD có thể xác định mục tiêu và sau đó báo lại cho người điều khiển theo thời gian thực.
Có thể bạn quan tâm: