Reuters đưa tin, ngày 17/3, Tòa hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin, với cáo buộc ông phạm “những tội ác chiến tranh” tại Ukraine.
Động thái pháp lý này buộc 123 quốc gia thành viên của Tòa án phải bắt giữ ông Putin và đưa đến The Hague để xét xử nếu ông đặt chân lên lãnh thổ của họ.
Trục xuất trẻ em
Trong lệnh bắt, ICC nghi ngờ ông chủ Điện Kremlin đã trục xuất trái phép trẻ em và đưa người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Nga từ tháng 2/2022.
Công tố viên trưởng Tòa hình sự quốc tế Karim Khan cho biết trong một tuyên bố hôm 17/3: “Hàng trăm trẻ em Ukraine đã bị đưa từ các trại trẻ mồ côi và nhà trẻ đến Nga. Chúng tôi cáo buộc nhiều em trong số này được đưa đến Nga để làm con nuôi”.
Ông nói động thái này “thể hiện ý định vĩnh viễn tách những đứa trẻ này khỏi đất nước của chúng.”
Nga đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc phạm tội ác chiến tranh mà Kiev và phương Tây đưa ra.
Ngoài ra, ICC cũng ban hành lệnh bắt với bà Maria Lvova-Belova, ủy viên về quyền trẻ em của Nga, với tội danh tương tự. Kiev cho biết hơn 16.000 trẻ em đã bị đưa trái phép sang Nga hoặc các vùng lãnh thổ do Moscow chiếm đóng ở Ukraine.
Phản ứng quốc tế
Phản ứng trước động thái này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng quyết định của Tòa án là “vô hiệu về mặt pháp lý và vô giá trị” với Nga.
Cả Nga và Ukraine đều không phải là thành viên của ICC. Tòa án này không có lực lượng cảnh sát riêng và dựa vào các quốc gia thành viên để thực hiện các vụ bắt giữ.
Ông Putin là tổng thống đương nhiệm thứ ba trở thành mục tiêu lệnh bắt giữ của ICC, sau ông Omar al-Bashir của Sudan và ông Muammar Gaddafi của Libya.
Trong khi đó, các nước phương Tây đã lên tiếng ủng hộ quyết định của Tòa án. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định việc Nga phạm tội ác chiến tranh là điều “không phải nghi ngờ”, còn Pháp tuyên bố “không ai có thể thoát khỏi công lý”.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho biết đây mới chỉ là khởi đầu của việc “buộc Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác và sự tàn bạo của mình ở Ukraine”.
Một báo cáo của các nhà nghiên cứu Đại học Yale vào tháng trước cho biết Nga đã giam ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine tại ít nhất 43 trại và các cơ sở khác.
Moscow không che giấu chương trình đưa hàng nghìn trẻ em Ukraine đến Nga, nhưng nói rằng đó là chiến dịch nhân đạo để bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong vùng xung đột.