Campuchia, đồng minh hàng đầu của Trung Quốc tại ASEAN, đang giúp Bắc Kinh cản trở kế hoạch tập trận trên Biển Đông của các quốc gia Đông Nam Á, theo bài báo ngày 17/6 của tác giả Richard Javad Heydarian trên Asia Times.
Động thái này diễn ra khi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang cố gắng thống nhất nội bộ và thúc đẩy đối thoại Mỹ – Trung nhằm tránh xung đột trong khu vực.
Indonesia, chủ tịch hiện tại của ASEAN, tuyên bố nước này sẽ sớm tổ chức cuộc tập trận hải quân đầu tiên với các quốc gia thành viên nhằm củng cố “vai trò trung tâm của ASEAN” trong bối cảnh “nguy cơ thảm họa cao ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á”.
Theo ông Yudo Margono, Tư lệnh Quân đội Quốc gia Indonesia, cuộc tập trận của ASEAN dự kiến diễn ra vào cuối năm nay ở vùng biển Bắc Natuna, một khu vực thuộc Biển Đông. Đây là một khu vực giàu tài nguyên ở ngoài khơi bờ biển phía bắc của Indonesia, chồng lấn với điểm cực nam của yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh.
Học tập nước láng giềng Philippines, Indonesia đã đổi tên vùng biển ngoài khơi quần đảo Natuna của mình, gọi là “Biển Bắc Natuna” để bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Indonesia tuyên bố rằng các cuộc tập trận chung ASEAN tập trung chủ yếu vào các hoạt động an ninh phi truyền thống và nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR).
Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, Campuchia, đã cản trở kế hoạch của Indonesia bằng cách bày tỏ sự do dự về việc tham gia cuộc tập trận chung. Trong một tuyên bố, Tướng Vong Pisen, Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia, nói rằng đất nước của ông vẫn chưa tán thành với cuộc tập trận.
Không rõ Campuchia phản đối toàn bộ ý tưởng về các cuộc tập trận hải quân của ASEAN hay chỉ là địa điểm của cuộc tập trận. Tuy nhiên, bằng cách dùng từ “South China Sea”, Campuchia đã mô tả “Biển Bắc Natuna” như một phần mở rộng của lưu vực Biển Đông và gián tiếp củng cố các yêu sách của Bắc Kinh trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Campuchia, Tướng Chhum Socheat bày tỏ nghi ngờ về cuộc tập trận bằng cách tuyên bố không có thành viên ASEAN nào khác đáp ứng “yêu cầu” của Indonesia về cuộc tập trận hải quân chung khai mạc vào cuối năm nay.
Theo Asia Times, điều rõ ràng là ASEAN vẫn chưa vượt qua được sự chia rẽ sâu sắc trong hàng ngũ của mình, đặc biệt là khi các cường quốc tận dụng ảnh hưởng của họ đối với các thành viên nhỏ hơn để thúc đẩy các chương trình nghị sự của riêng họ.
Lo ngại về Campuchia, đồng minh hàng đầu của Trung Quốc tại ASEAN
Động thái mới nhất của Campuchia đã làm sống lại những diễn biến đáng lo ngại về tình trạng mất đoàn kết trong lịch sử của ASEAN. Vào năm 2012 , Campuchia, khi đó là chủ tịch ASEAN, được cho là đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử của ASEAN khi nước này cố gắng ngăn chặn các cuộc thảo luận về tranh chấp Biển Đông.
Trong những năm tiếp theo, Indonesia cũng thúc đẩy đàm phán Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP), tìm cách khẳng định vai trò trung tâm của ASEAn trong việc định hình các vấn đề khu vực. Tuy nhiên, trước thềm nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Campuchia vào năm 2022, ngày càng có nhiều lo ngại về một cuộc khủng hoảng ngoại giao khác.
Theo Asia Times, nhiều người ở Singapore vẫn hoài nghi về vai trò của Campuchia trong khu vực. Vào năm 2007, thủ tướng đầu tiên của Singapore, Lý Quang Diệu đã than phiền về việc Campuchia gia nhập hiệp hội ASEAN, theo một bức điện tín ngoại giao bị rò rỉ.
Ông Lý Quang Diệu chỉ trích hệ thống chính trị và lịch sử của Campuchia, ông nói về “khó khăn” và “tình trạng cá nhân hóa quá mức xung quanh Thủ tướng Hun Sen”, trong khi vào thời điểm đó ông Hun Sen đang ngày càng phụ thuộc vào sự bảo trợ của Trung Quốc.
Vào năm 2020, một nhà ngoại giao cấp cao của Singapore thậm chí đã ấp ủ ý tưởng trục xuất Campuchia khỏi ASEAN do lo ngại về quyền tự chủ chiến lược của nước này với Trung Quốc.
Campuchia không phải là đồng minh duy nhất của Trung Quốc ở ASEAN. Singapore cũng bày tỏ quan ngại về việc Lào, một trong những quốc gia mắc nợ Trung Quốc nặng nề nhất thế giới, được kết nạp vào ASEAN.
Tuy nhiên, Campuchia là trường hợp đặc biệt vì có những nghi ngờ cho rằng nước này đã dàn xếp chuyển giao một cơ sở hải quân do Trung Quốc lãnh đạo tại Căn cứ Hải quân Ream, đối diện với Eo biển Malacca. Cơ sở này có thể giúp Trung Quốc có khả năng kiểm soát một sườn phía nam chiến lược ở Biển Đông.
Có thể bạn quan tâm: