Đã bao giờ bạn gặp phải cảnh, bản thân đang trong tâm thế hào hứng, quyết tâm thực hiện ước mơ, nhưng bị vùi dập bởi câu nói “trứng mà đòi khôn hơn vịt” chưa?
Liệu trứng có khôn hơn vịt?
“Trứng mà đòi khôn hơn vịt” là câu nói ví von, ẩn dụ khá thông dụng của người Việt với hàm nghĩa: “trứng” – đại diện cho những người non nớt, suy nghĩ còn chưa chín chắn, nông nổi, kiêu ngạo; “vịt ” ở đây là những người từng trải, đã có kinh nghiệm và đạt một số thành tựu nhất định trong cuộc sống.
Cả câu này mang ý nghĩa phê phán, răn dạy những người trẻ mà tự cao tự đại; đã thiếu kinh nghiệm nhưng luôn tỏ ra là mình thông minh xuất chúng, rằng bản thân “khôn” hơn những người từng trải nghiệm.
Cuộc sống xung quanh chúng ta vốn đa dạng, phong phú, và chẳng điều gì là không thể xảy ra. Bởi vậy “trứng” khôn hơn “vịt” là điều cũng có thể xảy ra.
Lạt – ma chuyển sinh
Chẳng hạn, ở Tây Tạng, một số em bé mới 3, 4, 5 tuổi thôi, chúng đã được rước lên kiệu đặt ngồi vào vị trí Lạt – ma cao quý. Mặc dù còn bé nhưng các em có phong thái và trí tuệ của bậc thánh. Bởi những người tín phụng Lạt-ma giáo tin rằng, kiếp trước những em bé này là vị tu sĩ có đạo hạnh, họ tu chưa xong, kiếp này đầu thai quay trở lại tiếp tục tu luyện.
Đây là những trường hợp đặc biệt và hi hữu, các bé nhìn thì có vẻ là “trứng” mà không phải “trứng”.
Trên thực tế, một số em bé được gọi là thần đồng, thiên tài; khi tài năng của các em có thể sánh ngang, thậm chí vượt xa người lớn: Thiên tài âm nhạc, thiên tài toán học, thiên tài võ thuật, thiên tài mỹ thuật, thiên tài tiên tri…
Tuy nhiên, những cái “trứng” đó chỉ là một con số rất nhỏ.
Theo tiến trình thông thường, những quả trứng còn phải trải qua quá trình ấp, trong khi ấp chúng có thể sẽ bị ung. Còn những con vịt đã nở ra, chúng đã hoàn toàn thoát khỏi cái vỏ bọc. Cũng như những quả trứng mỏng, đa số những người trẻ tuổi cần phải có khoảng thời gian nhất định để học tập, trau dồi kinh nghiệm.
Về căn bản “trứng” không thể khôn hơn “vịt”.
Tất nhiên nếu chúng ta không muốn học hỏi trên sự vấp ngã của người khác mà muốn có được bài học trên những sai sót của bản thân thì đó là quyền tự do chọn lựa của mỗi người.
Những góp ý không bao giờ là thừa
Khi một người mới vào nghề mà được một một nhân viên kỳ cựu trao đổi kinh nghiệm, thì đó quả là một sự dìu dắt quý báu.
Những lời góp ý từ họ là kinh nghiệm của những “con vịt” đã trải qua thời kỳ “ấp trứng”. Có thể lời lẽ của họ có chỗ không phù hợp với ý nghĩ của một số người trẻ; nhưng chúng ta không thể phủ nhận kinh nghiệm của họ là thứ của những người đã thành công.
Con đường thăng tiến của một người mẫu
Khi người mẫu Phương Oanh bị loại trong cuộc thi Vietnam’s Next Top Model 2017, cô ấy khóc nức nở trên sóng truyền hình: “Khi em phải về thì em sẽ cho ban giám khảo thấy rằng ban giám khảo đã phạm sai lầm rất là lớn khi đã loại em khỏi cuộc thi. Em cảm ơn!”
Nhưng hiện tại Phương Oanh chia sẻ, đó chỉ là một câu phát ngôn trong chương trình truyền hình thực tế buộc phải có drama (kịch tính). Còn thật sự cô “không quá quan trọng việc chứng minh ban giám khảo loại mình là sai lầm”.
Quả thật Phương Oanh sau này trở thành người mẫu hải ngoại. Cô xuất hiện trong những show diễn thời trang nổi tiếng nhất và khoác lên mình những trang phục, phụ kiện đắt đỏ nhất của những thương hiệu thời trang danh giá nhất. Cô gái trẻ đã chạm đến ước mơ trở thành người mẫu thời trang của mình một cách ngoạn mục.
Tuy nhiên, có một sự thật, vóc dáng và phong cách biểu diễn của Phương Oanh không phù hợp với tiêu chí cũng như thị hiếu của “làng” mẫu Việt. Phương Oanh thành công trong giới người mẫu quốc tế, nhưng cũng không thể nói rằng ban giám khảo Top Model Việt Nam chọn sai người.
Sự nghiệp có thành công hay không còn liên quan đến vấn đề lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và sở trường của mỗi cá nhân.
Người có quyền hạn
Trên một giảng đường Đại học nọ, khi người giáo viên mới bước vào, một nam sinh trông thấy cô có vẻ ngoài xinh đẹp và cô còn quá trẻ; cậu buông lời giễu cợt.
Giảng viên trẻ hỏi tên cậu với gương mặt nghiêm túc và nói: “Tôi là giáo viên, tôi có quyền đánh trượt cậu. Người ta gọi đó là quyền lực. Đó là thứ tôi có mà cậu thì không.”
Cậu sinh viên không thể nói thêm điều gì.
“Trứng” có thể khôn hơn “vịt”, tuy nhiên nếu là “vịt” thì sẽ có một số giá trị nhất định mà những quả “trứng” không có.
Cuối cùng, trải nghiệm là quyền tự do của mỗi người
Có nhiều người cho rằng câu nói “trứng khôn hơn vịt” đã làm những người trẻ mất đi sự tự tin vào bản thân.
Họ muốn tự mình trải nghiệm cuộc sống nhưng bị cha mẹ, người thân ngăn cản. Hai thế hệ với hai luồng tư tưởng trái ngược dễ dẫn tới những cuộc tranh luận và thường sẽ không có hồi kết cho đến khi người trẻ thực sự thành công hoặc thực sự thất bại.
Nếu chúng ta cho rằng những ý kiến trái chiều là mâu thuẫn giữa các thế hệ, hoặc mâu thuẫn giai cấp tầng lớp xã hội thì nó thực sự sẽ trở thành mâu thuẫn khó hoà giải. Tại sao chúng ta không coi đó là một sự góp ý chân thành thay vì nghĩ đó là sự áp đặt? Khi nhân sinh quan thay đổi theo chiều hướng tích cực thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ đổi sang những gam màu tươi sáng.
Cho dù bản thân chúng ta có thật sự tài giỏi thì “núi cao còn có núi cao hơn”. Những người khiêm tốn, có khả năng lắng nghe và học hỏi thì họ nhất định sẽ gặt hái được thành công trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm: