Australia đang đóng vai trò như ‘phó cảnh sát trưởng’ của Mỹ tại các tuyến đường thủy tranh chấp, trong đó có Biển Đông, theo ông Donald Rothwell, Giáo sư Luật Quốc tế của Đại học Quốc gia Úc.
Trong bài bình luận trên Asia Times ngày 28/8, ông Rothwell đề cập đến những tuyên bố gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles.
Theo ông Marles, các hoạt động quân sự bắn đạn thật của Trung Quốc bao vây Đài Loan đã vi phạm Luật Biển của Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu các nước đảm bảo hòa bình và an ninh trên các vùng biển quốc tế. Ông Marles kêu gọi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xung quanh Đài Loan và khẳng định rằng Australia sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự hòa bình của mình trong khu vực.
Giáo sư Rothwell cho biết: “Các quan chức quân sự Úc cũng đã gợi ý rằng quốc gia này sẽ không thoái lui các hoạt động ở Biển Đông, mà sẽ tiếp tục giám sát và thực hiện các hoạt động khác”.
Ông cho biết trong suốt năm qua, Trung Quốc ngày càng quyết liệt với các hoạt động quân sự của Mỹ, Australia và Canada ở Biển Đông và Hoa Đông.
Vào tháng 5, một máy bay giám sát hàng hải P-8A Poseidon của Australia đã bị máy bay quân sự Trung Quốc thách thức gần quần đảo Hoàng Sa. Vào tháng 7, tàu chiến Úc HMAS Parramatta đã bị một số máy bay và tàu hải quân Trung Quốc theo dõi và giám sát khi đi qua Biển Đông và Hoa Đông.
Các cuộc chạm trán này đều xảy ra trong không gian địa chính trị và pháp lý ngày càng rộng lớn hơn. Điều đó càng nêu bật vai trò của Australia.
“Hiện tại, các cuộc tuần tra trên biển năm 2022 và các hoạt động tương tác với quân đội Trung Quốc đã cho thấy Australia đang đóng vai trò như một ‘phó cảnh sát trưởng’ của Mỹ trong việc thực thi trật tự dựa trên quy tắc của luật biển”, theo giáo sư Rothwell.
Trong khi đó, giáo sư cho rằng Trung Quốc mong muốn đánh đuổi tất cả quân đội nước ngoài ra khỏi khu vực, đặc biệt là Mỹ.
Washington đã có 50 năm tiến hành các hoạt động tự do hàng hải (FONOPS) trên khắp thế giới nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải cho các tàu buôn và tàu chiến của Mỹ. Các FONOP này là một hoạt động quân sự hoàn toàn minh bạch và được Quốc hội Mỹ phê duyệt.
Gần đây, các FONOP đã bắt đầu tập trung vào Biển Đông. Mỹ đã đưa nhiều tài sản quân sự tới khu vực này nhằm đáp trả các hành vi của Trung Quốc.
Úc không điều kiện đến mức đó. Giáo sư Rothwell cho biết: “Quan điểm chính thức của Úc là nước này không tiến hành các FONOP theo kiểu Mỹ. Úc đã nhất quán tuyên bố dưới cả hai chính phủ Liên minh và Lao động rằng họ tìm cách khẳng định quyền tự do hàng hải và ủng hộ mạnh mẽ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Chính phủ Albanese đã tuyên bố quan điểm chính thức của Australia không thay đổi và bất kỳ hoạt động nào ở Biển Đông – dù trên biển hay trên không – đều diễn ra thường xuyên.
Hải quân Hoàng gia Australia (RAN) cho biết hoạt động của họ thường gắn với các chuyến thăm cảng trong khu vực tới Việt Nam, Hàn Quốc hoặc Nhật Bản.
Các chuyến thăm cảng và các hoạt động giám sát đều là những cơ sở hợp pháp để quân đội Australia hoạt động ở Biển Đông. Tuy nhiên, chính khuôn mẫu ứng xử và sự hỗ trợ mà Australia đang thể hiện đối với người Mỹ cần được chú ý nhiều hơn, theo giáo sư Rothwell.
Ông cho rằng Australia cần làm rõ mục tiêu mà chính phủ nước này muốn đạt được trong khu vực, sự hỗ trợ mà Mỹ có thể đưa ra và những hậu quả cho mối quan hệ song phương với Trung Quốc trong trường hợp xảy ra sự cố trong các hoạt động ở Biển Đông.
Có thể bạn quan tâm: