Một tạp chí quân sự Trung Quốc gần đây kêu gọi Bắc Kinh chống lại hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ của Việt Nam ở Biển Đông.

Dân quân tự vệ biển của Việt Nam

Năm 2009, Việt Nam đã thông qua Luật dân quân tự vệ. Luật cho phép lực lượng dân quân tự vệ biển thực hiện các cuộc tuần tra, giám sát trên biển để bảo vệ chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam.

Hôm 31/12/2019, Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Quốc phòng cho biết Việt Nam có kế hoạch xây dựng hải đội dân quân tự vệ để tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển.

“Trong giai đoạn đầu, các hải đội dân quân sẽ được ưu tiên đầu tư xây dựng ở 6 tỉnh Nam Trung Bộ, sau đó mở rộng ra 14 tỉnh”, ông Giang cho biết.

Báo Trung Quốc viết về dân quân tự vệ biển của Việt Nam

Hôm 25/4/2021, báo SCMP có trụ sở tại Hồng Kông trích dẫn bài báo của một tạp chí quân sự Trung Quốc mang tên Naval and Merchant Ships (tạm dịch: Tàu hải quân và thương mại).

Bài báo cho rằng: “Lực lượng dân quân biển của Việt Nam và các hoạt động của họ ở vùng biển gần Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe dọa lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc”.

Báo Trung Quốc nhấn mạnh: “Vấn đề phải được xem xét một cách nghiêm túc và xử lý kịp thời”.

Theo SCMP, Liên minh châu Âu ước tính lực lượng dân quân hàng hải của Việt Nam có khoảng 8.000 tàu đánh cá và 46.000 ngư dân. Tuy. nhiên, tạp chí nêu trên của Trung Quốc cho rằng số ngư dân tham gia lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam có thể lên tới hơn 70.000 người.

Báo Trung Quốc tố ngược dân quân tự vệ biển Việt Nam

“Khi không đánh bắt cá, những người dân quân có huấn luyện này đã tham gia một loạt nhiệm vụ, đôi khi hợp tác với hải quân Việt Nam”, SCMP viết.

SCMP trích thông tin từ tạp chí Trung Quốc cho rằng: Dân quân biển Việt Nam có các nhiệm vụ, trong đó có việc “do thám các cơ sở quân sự và tàu của Trung Quốc, và đôi khi cố tình đụng độ với các tàu tuần duyên của Trung Quốc để thu hút sự chú ý của giới truyền thông phương Tây”.

Bài báo nói rằng điều này nhằm tạo ra ấn tượng về “sự cố nhân đạo” và “sự cưỡng bức của Trung Quốc” vào tâm trí của công chúng quốc tế.

“Các chiến thuật chiến tranh du kích (của Việt Nam) có thể bù đắp lại lợi thế của các tàu chấp pháp Trung Quốc về kích thước tàu và công nghệ”, bài báo viết.

Báo Trung Quốc cho rằng các tàu dân quân Việt Nam: “Nếu chúng bị bắt, tổn thất chi phí không nhiều nhưng lợi ích ngoại giao và chính trị có thể rất lớn, vì vậy chúng rất ít sợ hãi”.

Báo Trung Quốc cho rằng Việt Nam có một số chiến thuật là học được từ người Trung Quốc; do mối quan hệ lịch sử phức tạp của hai nước và di sản chung của chiến tranh du kích và khái niệm “chiến tranh nhân dân”.

Bài báo trên tạp chí cho rằng Trung Quốc nên tăng cường luật pháp đối với tàu thuyền nước ngoài, gây áp lực buộc chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp kiềm chế thông qua các kênh ngoại giao và tăng cường khả năng tuần duyên để ngăn chặn lực lượng dân quân Việt Nam.

Chính Trung Quốc đang dùng dân quân biển để xâm chiếm chủ quyền của Việt Nam

Những lời cáo buộc từ báo Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh Bắc Kinh đang huy động hàng trăm tàu dân quân tràn vào các vùng biển quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang dùng thủ đoạn “lấy thịt đè người” nhằm đẩy ngư dân Việt Nam ra khỏi các ngư trường quen thuộc ở Biển Đông.

Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến ​​Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết:  “Bằng cách đặt chúng (các tàu thuyền) ở đó và trải chúng ra khắp các vùng biển xung quanh các rạn san hô mà những nước khác chiếm giữ, hoặc xung quanh các mỏ dầu và khí đốt hoặc ngư trường, họ đang dần dần đẩy người Philippines và Việt Nam ra khỏi” Biển Đông.

Ông Poling bình luận về thủ đoạn của Trung Quốc: “Thật là quỷ quyệt”.