Bệnh lao âm thầm giết hơn 10.400 người Việt mỗi năm; Tìm ra ‘kẻ giấu mặt’ vụ lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Italy; Bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam… là những tin nổi bật tuần qua trên MUC NEWS.

Bệnh lao vẫn âm thầm giết hơn 10.400 người Việt mỗi năm 

Việt Nam một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020).

Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải chịu mức chi phí điều trị lớn. Đồng thời, ở nước ta 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng lớn đến kinh tế từng gia đình và đất nước.

Những số liệu trên được ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đưa ra Nhân hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (hôm 24/3).

Các chuyên gia y tế còn nhận định rằng ở Việt Nam, số người tử vong vì lao mỗi năm cao hơn cả số người tử vong vì tai nạn giao thông.

Bà Nguyễn Phương Hằng bị tạm giam 3 tháng

Ngày 25/3, Công an TP. HCM đang tạm giam 3 tháng đối với bà Nguyễn Phương Hằng (51 tuổi, ngụ quận 1, TP. HCM ) về hành vi Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của cá nhân.

Công an thu giữ nhiều vật chứng trong 2 căn nhà của bị can Nguyễn Phương Hằng (ảnh: baochinhphu.vn)

 Phía Công an TP. HCM xác nhận sau khi hoàn tất mọi thủ tục sẽ đưa bị can Phương Hằng giam tại Trại tạm giam T30, huyện Củ Chi.

Trước khi bị bắt, bà Hằng đã bị lệnh tạm cấm xuất cảnh trong thời gian từ 16/2 đến 29/4/2022, được cho là liên quan tới việc bà liên tục thực hiện các buổi livestream xoay quanh vụ từ thiện và đời sống cá nhân một số nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Bắt nữ Tổng Giám đốc trong vụ nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự

Chiều ngày 25/3, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, lệnh bắt giam Hoàng Diệu Mơ (42 tuổi, Tổng giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) về tội Đưa hối lộ.

Đây là động thái tố tụng khi mở rộng vụ án nhận hối lộ để xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay “giải cứu” công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Ảnh chụp màn hình báo Tuổi Trẻ.

Trước đó, hồi cuối tháng 1, nhà chức trách khởi tố bà Nguyễn Thị Hương Lan (Cục trưởng Cục Lãnh sự), Đỗ Hoàng Tùng (Phó cục trưởng đơn vị này), Lê Tuấn Anh (Chánh văn phòng của cục) và Lưu Tuấn Dũng (Phó phòng Bảo hộ công dân) về tội Nhận hối lộ.

Bộ Ngoại giao cho hay, từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Trước đó, trong năm 2021, dư luận nhiều lần lên tiếng về việc công dân từ nước ngoài muốn về nước phải mua vé với giá rất đắt.

Giá xăng giảm nhỏ giọt, người tiêu dùng “sốc”

Chiều ngày 21/3, liên Bộ Tài chính – Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần.

Cụ thể xăng E5 RON 92 giảm 655 đồng/lít, xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 700 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 28.330 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.120 đồng/lít.

Ảnh chụp màn hình báo Tiền Phong.

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh. Dầu hoả là 22.240 đồng một lít, giảm 1.670 đồng. Dầu diesel giảm 1.630 đồng, về còn 23/630 đồng một lít. Dầu mazut là 20.420 đồng một kg, giảm 560 đồng.

Trước đó, ngày 11/3, giá xăng dầu trong nước đã có mức tăng mạnh nhất trong 8 năm qua với giá xăng RON 95 đã lên sát 30.000 đồng một lít, xăng E5 RON92 là 28.980 đồng, còn dầu diesel 25.260 đồng. 

Việc giá xăng chỉ giảm khoảng hơn 600 đồng mỗi lít tuỳ loại, nhiều người thắc mắc tại sao giá xăng giảm ở mức “khiêm tốn”, chứ không “sốc” như lúc tăng, trong khi người dân rất kỳ vọng giá xăng sẽ giảm nhiều hơn, để phần nào giảm áp lực chi tiêu hằng ngày.

Tìm ra ‘kẻ giấu mặt’ nghi lừa đảo 100 container hạt điều xuất sang Italy

Thông tin tới báo chí, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Italy Nguyễn Đức Thanh cho biết hãng tàu COSCO đã nhận được một bộ chứng từ gốc của một container hạt điều từ người mua đến lấy hàng. Khi người này tới nhận hàng, các cơ quan chức năng đã giữ lại hàng, không giao. Còn bộ chứng từ sau đó được đem đi kiểm tra và xác nhận là thật.

“Người mua đã lộ diện là kẻ lừa đảo, chiếm đoạt bộ chứng từ gốc bằng cách bất hợp pháp nào đó mà chưa trả tiền cho người bán”, ông Thanh nói. 

Phía nhà chức trách xác nhận, đây chính là chứng cứ đầu tiên và quan trọng để các cơ quan tố tụng của Việt Nam và Italy khởi động nhanh quy trình điều tra vụ việc lừa đảo giá trị lớn của nhóm người nước ngoài với doanh nghiệp Việt.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp hạt điều trong nước đang có nguy cơ mất trắng gần 100 container hàng với trị giá hàng trăm triệu USD sang châu Âu. Các doanh nghiệp này đều ký hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italy nhưng không nhận được tiền thanh toán.

Từ Khóa: