Tại Việt Nam, có hơn 172.000 người mắc bệnh lao mỗi năm và 10.400 người tử vong vì căn bệnh này.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Hằng năm, có khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu.

Nhân hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao (24/3), ông Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Việt Nam hiện vẫn là nước có tỉ lệ bệnh lao cao, là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020).

Trong số đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình phải chịu mức chi phí điều trị lớn. Đồng thời, ở nước ta 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình và đất nước.

Hình ảnh tổn thương thâm nhiễm trên phim chụp Xquang phổi.

Chia sẻ với trên VTV, ông Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney tại Việt Nam thông tin: “Trong số ước tính 170.000 bệnh nhân lao tại Việt Nam thì có 5.000 – 6.000 bệnh nhân lao kháng thuốc và số lượng này sẽ tiếp tục gia tăng.

Hiện nay, thói quen của người Việt Nam khi ho, hắt hơi, sổ mũi thì việc đầu tiên là ra hiệu thuốc mua và sẽ được kê kháng sinh, dẫn đến việc nhiều người bị lao mà không biết và dùng kháng sinh không phù hợp, dẫn đến lao kháng thuốc.

Lao bình thường tỷ lệ điều trị thành công rất cao, khoảng 90 – 95%, tuy nhiên, lao kháng thuốc chỉ được 70 – 75%. Nếu không được chẩn đoán sớm thì người bệnh có thể lây vi khuẩn cho người trong gia đình, cho những người mà họ tiếp xúc, ở Việt Nam, số người tử vong vì lao cao hơn cả số người tử vong vì tai nạn giao thông”.

Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Vì vậy, phát hiện sớm không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nguồn lây lan cho cộng đồng.

Từ Khóa: