Chính quyền Mỹ Joe Biden liên tiếp có những chiến lược sai lầm đối với Nga, khiến Trung Quốc “ngư ông đắc lợi”. Sở dĩ Bắc Kinh chậm trễ trong phản ứng đối với cuộc chiến Nga-Ukraine là bởi những toan tính riêng.
Tóm tắt nội dung
4 kỳ vọng của Bắc Kinh trong cuộc chiến của Nga
Thứ 1. Chiến tranh đã dẫn đến việc tổ chức lại cấu trúc châu Âu, và vai trò trọng tâm của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ chuyển dịch. Đồng thời, ông Putin sẽ kề vai cùng gánh sức ép của cộng đồng quốc tế liên quan tới vấn đề nhân quyền, nguồn gốc đại dịch, âm mưu thôn tính Biển Đông, và các mục đích địa chính trị khác…
Ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã đạt được mục đích này, vì sức ép toàn cầu chống Trung Quốc đã chuyển trục sang toàn cầu chống Nga. Và ông Biden đã giúp Trung Quốc có được điều này. Khi cuộc chiến trừng phạt ngày càng có quy mô lớn và sâu rộng, Nga sẽ suy yếu. Đây là điều Trung Quốc mong mỏi.
Thứ 2. Nhà cầm quyền Trung Quốc đã từ bỏ vị thế trung lập để ủng hộ cuộc tấn công quân sự của Nga vào Ukraine. Đồng nghĩa với việc trong tương lai, Nga sẽ từ bỏ vị thế trung lập để ủng hộ cuộc xâm lược Đài Loan của ĐCSTQ. Hai bên có thể giúp đỡ lẫn nhau khi đối mặt với các lệnh trừng phạt. Đây là kiểu chơi có đi có lại.
Thứ 3. Sau khi Nga bị trừng phạt, các nguồn xuất khẩu bị cắt bỏ, nước này buộc phải phụ thuộc kinh tế sâu hơn vào vào Trung Quốc, dẫn đến việc thay đổi quyền thống trị trong quan hệ Trung-Nga. Nói cách khác, Nga có thể sẽ trở thành chư hầu của Trung Quốc. Nền kinh tế Nga tách biệt hoàn toàn khỏi phương Tây: Điều này đồng nghĩa với việc khí đốt của Nga không thể gửi đến châu Âu sẽ được chuyển hướng sang Trung Quốc, một quốc gia vốn đang đói năng lượng.
Nga cần Phương Tây tài trợ về tài chính và công nghệ để có thể khai thác các mỏ ở Siberia, nhưng giờ đây phương Tây đang trừng phạt Nga, lẽ đương nhiên Trung Quốc sẽ nhảy vào, các mỏ này có thể sẽ nằm trong tay Trung Quốc. Các dự án cơ sở hạ tầng khác của Nga cũng có chung số phận như vậy. Và Hoa Kỳ và NATO đang giúp Trung Quốc có món lợi này.
Thứ 4. Sự bất lực của Hoa Kỳ và NATO đã đẩy vai trò của Trung Quốc lên tầm cao mới. Cụ thể: Hoa Kỳ và NATO đã không thể giải quyết được vấn đề giữa Nga và Ukraine. Họ đã phải chạy đi nhờ vả Trung Quốc làm vai trò trung gian để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ngừng bắn giữa Nga và Ukraine. Nói cách khác, cộng đồng quốc tế phải nhờ đến sự hòa giải của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), điều này tương đương với việc trao cho Bắc Kinh một phần quyền phán quyết.
Liệu ông Tập Cận Bình có lợi dụng sự cô lập của Nga để đòi lại lãnh thổ đã mất của mình không?
Ngược dòng lịch sử, quan hệ Nga-Trung khởi đầu là hữu nghị. Ông Putin và lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân đã ký kết một thỏa thuận song phương năm 2001. Năm 2004, do Nga bị cô lập về tài chính, Trung Quốc đã cung cấp cho Nga khoản vay 6 tỷ USD, cho phép Rosneft (ROSNEFT) thuộc sở hữu nhà nước Nga mua cơ sở sản xuất lớn nhất của Yukos Oil. Tuy nhiên, đến năm 2005 trong một loạt các nhiều hành động được cho là liên quan đến chương trình cho vay Yukos, Trung Quốc sử dụng đòn bẩy của mình đối với Nga để gây áp lực buộc Điện Kremlin trả lại 337 km vuông lãnh thổ tranh chấp cho Bắc Kinh để đổi lấy việc Trung Quốc rút lại các yêu sách lãnh thổ khác.
Như vậy, rất có thể ông Tập Cận Bình sẽ lợi dụng cơ hội này để đòi lại Vladivostok mà cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã cắt cho Nga.
Theo các nhà quan sát chiến lược, Trung Quốc sẽ không mạo hiểm đánh đổi nền kinh tế của chính mình để công khai thách thức Mỹ và bảo vệ Nga. Trung Quốc cũng không cung cấp cho Nga hỗ trợ kinh tế như đầu tư để bù đắp cho những tổn thất của Nga từ các lệnh trừng phạt. Nhưng Trung Quốc sẽ cung cấp mức hỗ trợ tối thiểu, để Nga có thể tiếp tục cạnh tranh với phương Tây và chuyển hướng chú ý của phương Tây khỏi sự trỗi dậy chiến lược của Trung Quốc. Sự trợ giúp kiểu nhỏ giọt này từ Trung Quốc sẽ chỉ đủ để duy trì vị trí quyền lực của ông Putin. Nhưng kinh tế Nga sẽ mất máu từ từ.
Mối quan hệ Trung-Nga vô cùng lỏng lẻo
Hiện tại, Trung Quốc cũng đang đối mặt với hàng loạt những ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến của Putin. Mối quan tâm trước mắt đối với các chiến lược gia ở Bắc Kinh là làm sao để không bị cuốn vào vòng xoáy của các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga.
Các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc còn đang phải đối mặt với câu hỏi: Liệu ông Putin có thể được tin tưởng đến mức nào? Ukraine vốn được Trung Quốc coi là một đối tác quan trọng trong dự án “Vành đai và Con đường”, cũng là nơi mà Trung Quốc đầu tư mạnh vào năng lượng và cơ sở hạ tầng, đồng thời xuất khẩu một lượng lớn nông sản, thiết bị điện hạt nhân, sản phẩm máy móc. Tất cả bây giờ đã bốc hơi.
Hay hành động của ông Putin ở Kazakhstan cách đây không lâu cũng vậy. Các lực lượng do Nga dẫn đầu đã bay tới Kazakhstan để trấn áp tình trạng bất ổn cục bộ. Nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng ở các nước Trung Á mâu thuẫn với lợi ích cục bộ của Trung Quốc. Đối với Trung Quốc, các nước thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á là nút thắt quan trọng của tuyến đường sắt Á Âu và là khu vực quan trọng của tuyến đường ống dẫn dầu và khí đốt. Bây giờ mọi thứ cũng thành công cốc.
Việc Trung Quốc có thể tin tưởng Nga được không là rất khó. Cho nên mối quan hệ Trung -Nga mà Hoa Kỳ và phương tây nói là “đồng minh” ấy thực chất rất lỏng lẻo. Tuy nhiên, nếu Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục sai lầm trong chiến lược, thì sẽ đẩy mối quan hệ Trung -Nga ngày càng khăng khít. Lúc đó thì cấu trúc địa chính trị sẽ thay đổi và Hoa Kỳ thực sự mất đi vị thế của mình.
Sai lầm trong chiến lược của ông Biden đối với Nga
Tổng thống Nga Vladimir Putin gần đây nói rằng Hoa Kỳ đang “lặp lại những sai lầm của Liên Xô”, điều này nhắc lại trò chơi tam giác lớn giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, cũng như chiến lược của Hoa Kỳ là “chia rẽ Nga và Trung Quốc”.
Mối quan hệ Mỹ – Nga gần đây đã xuống mức thấp do một loạt vấn đề. Tổng thống Biden và các cố vấn nước ngoài của ông đang theo đuổi chính sách cứng rắn đối với Nga. Điều này ngược lại với chính sách của chính quyền Tổng thống Trump.
Trước đây, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, Hoa Kỳ áp dụng chiến lược “chia để trị” để giải quyết vấn đề với Nga và Trung Quốc. Họ áp dụng các chiến thuật của Kissinger chống lại Liên Xô và Trung Quốc vào đầu những năm 1970.
Ngoại trưởng Mike Pompeo trong nhiệm kỳ của ông Trump đã nói rằng khi đối đầu với Trung Quốc và Nga đồng thời, mối quan tâm của Nga về Trung Quốc nên được sử dụng để phá hoại mối quan hệ của họ, và Nga nên làm việc với Hoa Kỳ để đối phó với Trung Quốc. Điều đó đã thể hiện hiệu quả trong 4 năm cầm quyền của ông Trump.
Tuy nhiên, khi Nhà Trắng đổi chủ, trong mối quan hệ tay ba giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nga hiện nay, chính quyền Biden là nguyên nhân khiến Nga và Trung Quốc cảm thấy bị đe dọa. Điều này đã đẩy Nga và Trung Quốc đứng cùng 1 chiến tuyến và chống lại Hoa Kỳ.
Trên thực tế, NATO là một cơ chế phòng thủ mà ở đó có yêu cầu khắt khe cho các thành viên, nhưng NATO vẫn tiếp tục chấp nhận sự tham gia của các nước Đông Âu, đặc biệt là 3 nước Baltic có biên giới trực tiếp với Nga, thậm chí là tiêu chuẩn gia nhập không yêu cầu khắt khe về cơ chế dân chủ. Điều này đã khiến Nga mất lòng tin nghiêm trọng.
Ngay từ thời Obama, Mỹ đã định hướng chiến lược sai lầm, xác định mối quan hệ Nga – Mỹ là mối quan hệ đối đầu và mối quan hệ Mỹ – Trung là mối quan hệ cạnh tranh. Điều này hoàn toàn ngược với thời Trump.
Ông Trump đã có một cuộc sửa đổi lớn về vấn đề này, ông xoa dịu mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Nga, bằng cách cho Nga cảm giác an toàn. Từ đó, chính quyền Trump tập trung mũi nhọn vào Trung Quốc. Ông Putin khi đó đã từng tuyên bố rằng, Nga sẽ là “chú khỉ thông minh” để tọa sơn quan hổ đấu; tức đứng ngoài mối quan hệ Mỹ – Trung.
Tuy nhiên, sau khi ông Biden lên nắm quyền, ông đã quay trở lại con đường cũ của ông Obama, và coi ông Putin như kẻ thù. Hậu quả của sai lầm chiến lược này bắt đầu từ trước đó vào năm 1998, Thượng viện Hoa Kỳ đã chính thức thông qua đợt mở rộng đầu tiên về phía đông của NATO, kết nạp Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc vào NATO.
Đối với Nga mà nói đây là sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, một sai lầm đáng buồn và Nga tất nhiên sẽ phản ứng lại một cách tồi tệ. Cuộc chiến tại Ukraine hiện này là một phần phản ứng của Nga.
Giới quan sát cho rằng, tốt nhất lúc này là Hoa Kỳ cùng Nga tập trung đối phó với Trung Quốc; khiến Moscow tin tưởng rằng an ninh của Nga sẽ không bị đe doạ. Khi đó, cuộc chiến vô nghĩa ở Ukraine sẽ dừng lại. Chỉ cần Hoa Kỳ đối phó với Trung Quốc bằng những biện pháp trừng phạt toàn diện như họ đang làm với Nga hiện nay, đã đủ khiến Trung Quốc sụp đổ. Khi đó vấn đề Đài Loan hay các vấn đề về Biển Đông cũng sẽ được giữ nguyên trạng vốn có ban đầu.