Thời gian qua tại tỉnh Bình Định liên tục xảy ra nhiều vụ phá, lấn chiếm đất rừng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Những người này đã tiêm thuốc độc nhằm “hạ thủ” cây rừng để lấn chiếm đất làm rẫy.
Dùng các chiêu độc nhằm ‘hạ thủ’ cây rừng để lấn chiếm đất làm rẫy
Theo ghi nhận của báo Người Lao Động, gần đây tại tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh hàng loạt cây keo lai gần 10 năm tuổi do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn trồng, bỗng nhiên khô héo, chết bất thường.
Cạnh đó không xa, tại tiểu khu 123 cũng có nhiều cây keo đường kính từ khoảng 20-40cm bị bóc lớp vỏ quanh thân, dài từ 10-20cm, nhiều cây đang khô lá. Phía dưới rừng keo này, người dân đã trồng mì. Trong khu vực rừng tự nhiên giáp ranh rừng trồng cũng có rất nhiều cây rừng hàng chục năm tuổi chết khô. Điểm chung của các cây này là tình trạng bị gọt vỏ hoặc đục một lỗ trên thân cây.
Ông Hồ Văn Hể – Giám đốc Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn cho biết trên Báo Dân Tộc, tiểu khu 124 xã Vĩnh Sơn là một trong 6 tiểu khu trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh được Công ty tiến hành trồng các loại cây keo lai, sao đen trên diện tích đất trống, đất nương rẫy cũ bỏ hoang để phục hồi rừng theo chủ trương của UBND tỉnh Bình Định vào năm 2014.
Tuy nhiên, sau khi cây keo lai phát triển, người dân đã ken cây, cạo lớp vỏ để tiêm thuốc vào trong thân cây, với mục đích làm cây chết dần dần sau 1-2 năm rồi tiến hành lấn chiếm để trồng xen cây mì vào. Sự việc này còn xảy ra tương tự tại các tiểu khu khác.
“Gần đây, các nhóm người này lại dùng cách thức mới khiến cây rừng chết nhanh hơn là khoan lỗ nhỏ dưới gốc cây rồi bơm thuốc diệt cỏ vào. Mỗi lần họ chỉ phá từ 3-5 cây, lại làm vào buổi trưa hoặc ban đêm nên rất khó phát hiện”, Phó trưởng Phòng Quản lý, Bảo vệ rừng Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn giải thích về những “vết tích lạ” trên các thân cây keo đã chết.
Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Thạnh, vì những người này có hành vi phá, lấn chiếm rừng ở địa phương chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. “Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường kiểm tra việc canh tác, sản xuất của người dân để kịp thời ngăn chặn ngay từ ban đầu các hành vi lấn chiếm đất rừng, phá hoại cây rừng. Đồng thời giải quyết bài toán sinh kế cho người dân ổn định…”, ông Thông cho hay.
Trách nhiệm của đơn vị quản lý bảo vệ rừng
Ngoài nguyên nhân thiếu đất sản xuất khiến người dân làm bừa, thì công tác quản lý của các đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn nhiều bất cập. Khi xảy ra vụ việc lại không kịp thời báo cáo cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm.
Thực tế cho thấy, việc người dân tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh lấn chiếm đất rừng để sản xuất trong thời gian dài, là do Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý bảo vệ rừng.
Ông Hồ Văn Hể thừa nhận, trong quá trình trồng rừng phục hồi, có những vị trí gần với nương rẫy của người dân nên họ đã lấn chiếm. Cán bộ của Công ty TNHH Lâm nghiệp Sông Kôn có phát hiện sự việc, nhưng không lập biên bản báo cáo với cấp có thẩm quyền.
Có thể bạn quan tâm: