Ông Nguyễn Hồng Diên – Bộ trưởng Công Thương bị hỏi dồn về việc giá xăng trong nước sắp tới có giảm không?
Tóm tắt nội dung
“Hy vọng giá xăng dầu sẽ giảm”
Trên nghị trường sáng 16/3, ông Diên giải đáp câu hỏi của đại biểu “giá xăng dầu tới đây có giảm hay không?” Theo ông Diên, “hy vọng giá sẽ giảm” trong thời gian tới.
Cơ sở để ông Diên đặt niềm tin là thời gian qua Bộ Công Thương đã đề xuất Chính phủ, và Chính phủ gửi Quốc hội thông qua phương án giảm 50% thuế bảo vệ môi trường. Nếu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, áp dụng từ 1/4 tới thì giá xăng có thể giảm xuống.
Cũng theo ông Diên, thời quan giá xăng dầu thế giới tăng mạnh do căng thẳng Nga – Ukraine; nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn “thấp hơn thế giới”. Điều này là do nhà điều hành đã trích Quỹ bình ổn (mức 500-1.500 đồng một lít xăng, dầu tùy loại). Thời gian tới, việc dựa vào quỹ này để bình ổn giá không còn khả quan khi Quỹ chỉ còn 600 tỷ đồng, trong khi quỹ này tại nhiều doanh nghiệp đã âm lớn.
Tại sao lại là thuế môi trường?
Trong phiên chất vấn, bà Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Quốc hội) hỏi, tại sao Bộ Công Thương chọn thuế môi trường để giảm mà không phải là sắc thuế khác.
Theo bà Mai, thuế bảo vệ môi trường đánh vào các mặt hàng gây ô nhiễm; với mức thuế được xây dựng trên mức độ gây ô nhiễm. Giảm thuế này với xăng dầu sẽ bất hợp lý, vì đối tượng gây ô nhiễm cao chịu thuế suất thấp, ngược lại đối tượng gây ô nhiễm thấp lại chịu thuế cao.
Bà Mai nói thêm, doanh nghiệp xăng dầu đã mua dự trữ bắt buộc theo quy định, chịu thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng/lít, nhưng nếu bán ra sau thời điểm giảm thuế thì sẽ lỗ.
“Nếu chọn sắc thuế khác không phát sinh nghịch lý này. Bên cạnh đó, các quốc gia điều tiết giá xăng dầu đều chọn giảm thuế VAT, thuế nhập khẩu… Việc dùng thuế điều tiết giá cả là cần thiết, nhưng chọn sắc thuế nào thì Bộ Công Thương, Tài chính cần đưa ra giải pháp hợp lý”, bà Mai nói.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Diên nói, trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao hiện nay, thì giảm thuế môi trường là nhanh nhất. Bởi vì đây là thẩm quyền quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội, mà Ủy ban định kỳ họp mỗi tháng 1 lần, nên có thể nhanh thông qua.
Trong khi chọn giảm loại thuế khác, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và phải tới tháng 5 mới có thể thông qua, rồi Nghị quyết Quốc hội có hiệu lực cũng phải tháng 6, 7.
“Tôi cho rằng thuế bảo vệ môi trường định khoảng 4.000 đồng/lít chưa có cơ sở khoa học, cũng chưa thấy cơ sở khoa học để định giá là 3.000 đồng hay 2.000 đồng. Cho nên trong lúc khó chúng ta bảo nhau giải quyết, cần có cơ chế giảm giá hỗ trợ người dân là tốt”, ông Diên nói thêm.
Nếu xăng dầu vẫn trên đà tăng?
Theo ông Diên, điều chỉnh thuế phí xăng dầu là công cụ để bình ổn, hạ nhiệt giá xăng dầu trong nước. Nhưng trường hợp giá nguyên liệu thế giới tiếp tục tăng cao thì sẽ phải nghiên cứu giảm tiếp các loại thuế, phí khác..
“Để kìm giá, giữ chỉ số CPI và để đối tượng dễ tổn thương không khó khăn hơn, thì các bộ ngành, cơ quan hữu quan sẽ đề nghị Chính phủ sử dụng các quỹ an sinh xã hội từ ngân sách để hỗ trợ đối tượng yếu thế”, ông Diên cho biết.